Thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ và 'cúp vàng chính trị' của ông Trump

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật là thỏa thuận “cùng thắng” cho cả hai bên trong khi ông Trump nhấn mạnh rằng đây là chiến thắng vĩ đại cho những người nông dân Mỹ.
Thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ và 'cúp vàng chính trị' của ông Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Xihua)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật với sự tán dương nhiệt liệt của hai bên hôm 25/9 vừa qua.

Ông Abe gọi đây là thỏa thuận “cùng thắng” cho cả hai bên trong khi ông Trump nhấn mạnh rằng đây là “chiến thắng vĩ đại cho những người nông dân nuôi trồng của Mỹ.”

Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ được coi là thỏa thuận ban đầu trong lúc các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Thỏa thuận này vẫn chưa thể đạt được các tiêu chuẩn toàn diện được kỳ vọng trong các thỏa thuận song phương theo các luật lệ của WTO. Như vậy, tại sao họ lại vội vàng đi tới một thỏa thuận hạn chế?

Sự cần thiết phải có được một chiến thắng chính trị của ông Trump được thúc đẩy một phần bởi chính quyền ông đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và sự cần thiết phải hướng sự chú ý của dư luận trở lại một thành tựu mang tính tích cực.

['Cột mốc' mới trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật Bản]

Ông Trump đang đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Quốc hội Mỹ sau khi có đơn tố giác ông lạm dụng quyền lực. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gây ảnh hưởng xấu tới các nông dân Mỹ.

Các nông dân ở các bang như Iowa, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin là nhóm chủ chốt giúp Trump thắng cử hồi tháng 11/2016. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa các việc làm trong ngành sản xuất chế tạo trở lại nước Mỹ, như ngành công nghiệp thép và ôtô, Trump đã áp thuế với các nước vốn là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Mỹ như Trung Quốc, châu Âu, Canada và Mexico.

Các nước này cảm thấy buộc phải trả đũa bằng cách áp thuế trở lại và người nông dân Mỹ phải gánh chịu tổn thất bởi tính cạnh tranh của nông sản Mỹ giảm sút.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật đóng vai trò xoa dịu và Trump hy vọng ngăn chặn được bất kỳ cơ hội nào mà đảng Dân chủ sẽ tận dụng tại Vành đai Nông nghiệp.

Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh đến “sự lãnh đạo của Trump trong việc đạt được thỏa thuận ban đầu nhằm loại bỏ hoặc giảm bớt thuế quan nhằm vào 90% nông sản Mỹ nhập khẩu vào Nhật Bản."

Về phần mình, Mỹ sẽ loại bỏ hoặc cắt giảm thuế “với 42 dòng thuế đánh vào hàng nông sản nhập khẩu từ Nhật Bản” với trị giá 40 triệu USD năm 2018, như “hoa, quả hồng vàng, trà xanh, kẹo cao su và đậu nành” cũng như một số mặt hàng công nghiệp Nhật bản như “máy móc, khóa, máy hơi nước, xe đạp, phụ tùng xe đạp và nhạc cụ.”

Hai bên cũng có một thỏa thuận riêng về thương mại kỹ thuật số nhằm đảm bảo chuyển giao dữ liệu miễn phí xuyên biên giới và ngăn chặn đánh thuế vào các “sản phẩm kỹ thuật số như video, sách điện tử” với kim ngạch khoảng 38 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật bị cho là còn nhiều thiếu sót và không công bằng. Mặc dù Mỹ không có được tất cả mọi thứ họ muốn - và hiện vẫn còn thuế đánh vào khí đốt hóa lỏng, máy bay, thiết bị bán dẫn, gạo, rượu ngô - nhưng phần lớn nhượng bộ là từ phía Nhật Bản đưa ra.

Như chuyên gia Aurelia George Mulgan lý giải, bất chấp sự nhượng bộ của Nhật Bản trong lĩnh vực nông sản, không một biện pháp nào được thực hiện để giải quyết câu hỏi về thuế quan với ô tô của Nhật Bản. Ông nói: “Họ không dỡ bỏ mức thuế 2,5% và hiện chỉ áp dụng biện pháp tạm hoãn thuế bổ sung theo Điều khoản 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại.”

Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi quan trọng: Tại sao chính phủ Abe lại giành ưu tiên thực tế cho việc hợp tác với các mục tiêu tái đắc cử của Trump trong khi phớt lờ các nguyên tắc đàm phán thương mại đa phương? Và tại sao, sau khi thành công trong việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật-EU, ông Abe lại làm xói mòn mục tiêu của Nhật Bản đó là trở thành người đi đầu trong thương mại tự do?

George Mulgan lý giải rằng “việc Nhật Bản bước vào các cuộc đàm phán được kích động bởi lời đe dọa bị trừng phạt”. Xét tới tầm quan trọng của ngành ô tô với nền kinh tế Nhật Bản, mối đe dọa bị tăng thuế lên tới 25% là một nguy cơ không chỉ các ông chủ ô tô Nhật Bản mà các chính khách Nhật Bản dường như muốn xóa bỏ.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn trong thế nguy hiểm. Chừng nào Trump còn tại vị, George Mulgan nói rằng “Điều khoản 232 sẽ vẫn treo lơ lửng trên đầu như Thanh gươm của Damocles”.

Trước tất cả nỗ lực và sự nuôi dưỡng quan hệ cá nhân của ông Abe với Trump, tình thân Abe-Trump đã không thể mang lại chiến thắng về mặt chính sách cho Nhật Bản. Thay vào đó, chính phủ Abe bị buộc phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán mà họ không muốn tham gia ngay từ đầu. Việc cúi đầu trước chính sách ngoại giao thương mại cưỡng ép của Trump không chỉ đẩy Nhật Bản vào thế bất lợi mà còn báo hiệu xấu cho tương lai của trật tự thương mại dựa trên luật quốc tế.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đạt được “thỏa thuận đình chiến tạm thời” khác, khi Mỹ đồng ý tạm hoãn tăng thuế lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đến cuối tháng này. Đây được gọi là "thỏa thuận thương mại giai đoạn một mang tính thực chất nhưng giống như thỏa thuận đình chiến trước đây, nó không bao gồm bất kỳ vấn đề hóc búa nào giữa 2 bên và chỉ có thời gian mới cho biết nó sẽ kéo dài được bao lâu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.