Thỏa thuận Trung Quốc-Iran và tác động đối với khu vực

Nếu Trung Quốc thành công trong việc mở rộng sự hiện diện của họ ở Iran, điều đó sẽ dẫn đến xung đột lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thỏa thuận Trung Quốc-Iran và tác động đối với khu vực ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: urdupoint.com)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, vài năm trở lại đây, quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Iran đã làm dấy lên những lo ngại lớn ở nhiều quốc gia.

Nền kinh tế suy giảm và cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) gần đây đã đẩy Iran vào tình thế khó khăn và Trung Quốc đã nhanh chóng chứng tỏ họ là một đối tác lý tưởng của Iran. Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia được thiết lập từ năm 1971.

Trong nhiều năm qua, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và sự cô lập của Iran với cộng đồng quốc tế đã khiến họ xích lại gần nhau. Hiệp ước đầu tư và an ninh gần đây bao gồm hầu hết các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, cảng, đường sắt và hàng chục dự án khác. Mặc dù các chi tiết bí mật của thỏa thuận bị rò rỉ, nhưng đã sớm bị các quan chức Iran bác bỏ.

Năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Iran và sau đó đặt ra cấu trúc của thỏa thuận này. Sau đó, năm 2019, Trung Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 400 tỷ USD.

Nền kinh tế Iran đang bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và cần một cứu cánh để vực dậy thị trường nội địa. Trong khi hầu hết các công ty của các quốc gia đã rút hoạt động kinh doanh khỏi Iran, thì đầu tư của Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng cho sự tồn vong của Iran.

Mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia này trực tiếp thách thức các nỗ lực của Mỹ nhằm cắt đứt Iran khỏi thị trường quốc tế. Mong muốn ngày càng gia tăng của Trung Quốc tăng cường can dự vào Trung Đông hoàn toàn đồng bộ với vị trí địa chiến lược của Tehran.

Tuy nhiên, tham vọng trở thành cường quốc khu vực của Iran đòi hỏi sự đầu tư rất lớn vào thị trường nội địa. Đó là nơi mà cả hai quốc gia đều coi mình là một đối tác mới nổi.

Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Iran

Là một nền kinh tế đang phát triển, việc Trung Quốc phụ thuộc vào dầu mỏ của Iran là khá hợp lý. Mối quan hệ này không chỉ dựa trên năng lượng, mà thậm chí trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Sau năm 2016, Trung Quốc và Iran đã đồng ý nâng cấp quan hệ thương mại lên 600 tỷ USD trong 10 năm tới. Thỏa thuận này phù hợp với khuôn khổ “Vành đai và Con đường” (BRI).

[Đại liên minh Trung Quốc-Iran đang hình thành?]

Tổng cộng 17 thỏa thuận đã được ký, trong đó có một thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Trung Quốc sẽ giúp kết nối Tehran với Mashhad thông qua công nghệ đường sắt cao tốc của họ.

Sau khi Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt trừng phạt đối với Iran, sự phụ thuộc của quốc gia Hồi giáo Trung Đông này vào Trung Quốc đã gia tăng trong những năm gần đây. Mối quan hệ thương mại không chỉ giới hạn ở việc mua dầu thô mà còn cả sự tham gia của Trung Quốc vào các quy trình sản xuất thượng nguồn và hạ nguồn của Iran thông qua các khoản đầu tư lớn.

Từ năm 2005, cả hai nước đã ký 7 thỏa thuận sản xuất thượng nguồn. Tất cả các thỏa thuận này đều liên quan các công ty quốc doanh của Trung Quốc, điều này cho thấy sự hiện diện đáng kể của Trung Quốc ở Iran.

Quan hệ Trung Quốc-Iran-Syria

Tháng 12/2019, Tổng thống Syria khi trả lời phỏng vấn của truyền thông Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng tham gia dự án BRI và coi Syria là một đối tác lý tưởng cho đầu tư của Trung Quốc.

Syria đã chịu nhiều thiệt hại sau hàng thập kỷ chiến tranh và muốn bắt đầu các hoạt động tái thiết đất nước. Iran và Trung Quốc tự nhận là đồng minh của Syria và họ thậm chí còn muốn tạo mối liên hệ chiến lược giữa các quốc gia này.

Với quá trình tái thiết, Trung Quốc đang giúp Syria từ dự án cải tạo Cảng Tripoli thành một cơ sở hậu cần cho quá trình tái thiết. Trung Quốc muốn kết nối cảng này với “Chiến lược 4 biển” của Syria và kết nối dự án BRI với khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Toàn bộ khối kinh tế này có thể thách thức quyền bá chủ của Mỹ trong khu vực. Iran và Syria đã là đồng minh chiến lược ở khu vực này và việc có thêm Trung Quốc gia nhập sẽ thúc đẩy chế độ chuyên quyền trong khu vực chống lại Mỹ.

Tác động đối với khu vực

Chính sách “gây sức ép tối đa” của Chính quyền Trump đối với Iran đã khiến nhiều quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản cắt đứt quan hệ thương mại với Tehran.

Đây được coi là sai lầm ngoại giao lớn của Mỹ vì một lý do rất đơn giản là các quốc gia này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra điểm chung cho các cuộc đàm phán giữa Iran và phương Tây.

Như báo chí đưa tin, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hợp tác xây dựng các cảng, việc có một cảng ở vùng Vịnh sẽ tạo ra một động lực lớn cho các kế hoạch chiến lược của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc mở rộng sự hiện diện của họ ở Iran, điều đó sẽ dẫn đến xung đột lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào cảng Gwadar (ở Pakistan), họ sẽ không ngần ngại giành thế thượng phong ở Vùng Vịnh. Từ đó, Bắc Kinh có thể để mắt đến các động thái của Mỹ trong khu vực. Tiến độ đầu tư của Ấn Độ vào Iran rất chậm và đó là lý do khiến Iran mới đây đã tự khởi công xây dựng đường sắt.

Sự bất ổn ngày càng gia tăng trong khu vực sẽ tiếp tục leo thang khi mối quan hệ đối tác giữa các quốc gia này ngày càng phát triển. Tham vọng của Trung Quốc mở rộng các dự án BRI và “Chiến lược 4 biển” của Syria có thể trở thành nền tảng cho các dự án trong tương lai trên toàn khu vực.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thúc đẩy chiến lược 4 biển này từ năm 2009, nhằm biến Damascus thành một trung tâm thương mại lớn. Syria muốn hình thành một không gian kinh tế giữa Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, để tạo thành một khối quốc gia mới trong khu vực.

Kế hoạch này bao gồm 4 vùng biển của khu vực từ Địa Trung Hải, Caspi, Biển Đen và Vùng Vịnh, tạo thuận lợi cho các quốc gia này từ đầu tư đến giao thông vận tải.

Quan hệ đối tác mở rộng sẽ dẫn đến thiết lập một cấu trúc an ninh giữa 3 quốc gia này và sẽ trực tiếp làm suy yếu sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Việc củng cố dần quyền lực dựa trên tình cảm chống Mỹ và chống phương Tây thậm chí có thể hình thành một liên minh an ninh thực sự, trong đó việc bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một kịch bản có thể sớm xảy ra.

Tất cả các quốc gia này theo cách này hay cách khác đều có cùng một chế độ chính trị, vì vậy đây sẽ là một chiến lược tuyệt vời để ngăn chặn sự hiện diện của Mỹ can thiệp vào vấn đề trong nước của họ.

Nếu Mỹ muốn ngăn chặn sự can dự của Trung Quốc vào khu vực, họ cần có sự tham gia của đối tác châu Á chủ chốt, như vậy sẽ lôi kéo được một số cường quốc trong khu vực duy trì sự ổn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.