Thời báo Hoàn cầu: Ấn Độ lợi bất cập hại khi mâu thuẫn với Trung Quốc

Sau khi vòng đàm phán quân sự cấp cao mới nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra ngày 8/8 vừa qua, Ấn Độ vẫn chưa tỏ dấu hiệu thay đổi thái độ, trong khi Trung Quốc cũng giữ vững lập trường.
Thời báo Hoàn cầu: Ấn Độ lợi bất cập hại khi mâu thuẫn với Trung Quốc ảnh 1Binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ tại biên giới hai nước. (Nguồn: timesnownews.com)

Theo trang mạng globaltimes.cn, ngày 15/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu trước toàn quốc từ Pháo đài Đỏ nhân kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh Ấn Độ.

Trong bài phát biểu, ông Modi khẳng định các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã “đáp trả thích đáng những nước đe dọa chủ quyền lãnh thổ quốc gia.”

Có thể giải thích phát biểu của ông Modi từ 2 cách nhìn: Thứ nhất, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã trở nên cứng rắn hơn và khoác lên mình vẻ ngoài hiếu chiến.

Cách giải thích khác là Chính phủ Ấn Độ cho rằng họ đã hành động đủ khi thể hiện thái độ đối với Trung Quốc. Do đó, tuyên bố của Modi trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh không quá quan trọng, mà quan trọng là những bước đi tiếp theo của ông.

[Trung Quốc, Ấn Độ điều động máy bay chiến đấu tối tân tới biên giới]

Sau khi vòng đàm phán quân sự cấp cao mới nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra ngày 8/8 vừa qua, Ấn Độ vẫn chưa tỏ dấu hiệu thay đổi thái độ, trong khi Trung Quốc cũng giữ vững lập trường.

Do hai nước vẫn đang ở thế bế tắc trong những vấn đề then chốt, có khả năng ý định thực sự của ông Modi sẽ được hé lộ trong những động thái tiếp theo của ông.

Tuy nhiên, bất kể tranh chấp biên giới hồi tháng 6 vừa qua hay những xung đột tiềm ẩn trong tương lai, quan hệ Trung-Ấn sau những bước thụt lùi sẽ không thể nhanh chóng phục hồi như trước khi xảy ra đụng độ.

Mặc dù ít có khả năng Ấn Độ sẽ tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc - xét cho cùng hai bên đều hưởng lợi từ hợp tác song phương - song trong hoàn cảnh kinh tế trong nước tiến thoái lưỡng nan, Chính phủ Ấn Độ có thể trấn an người dân bằng cách kéo dài các chính sách hiện hành nhắm vào Trung Quốc (chẳng hạn việc cấm các ứng dụng của nước này).

Tuy nhiên, chẳng có quốc gia nào hoạch định chính sách thuần túy dựa trên cảm tính dân tộc chủ nghĩa. Nền tảng của mọi quyết sách phải hài hòa với lợi ích quốc gia.

Do vậy về lâu dài, nếu không có xung đột quy mô lớn, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ quay lại con đường chung sống hòa bình và hợp tác.

Thời báo Hoàn cầu: Ấn Độ lợi bất cập hại khi mâu thuẫn với Trung Quốc ảnh 2Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại New Delhi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm, một vài trong số đó còn nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc đụng độ biên giới gần đây.

Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ đã trở lại được con đường đúng đắn. Dĩ nhiên, vấn đề hiện nay là Modi đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc Hindu để chuyển hướng dư luận trong nước, và ở mức độ nào đó ông trở thành “con tin” của chính chủ nghĩa này.

Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng đối mặt nguy cơ khi thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa, bởi kích động con người giận dữ thì dễ, còn xoa dịu mới khó.

Chính quyền ông Modi đã biến lĩnh vực kinh tế thành chiến trường với Trung Quốc, và nhiều lần đe dọa chia tách nền kinh tế của nước này khỏi Trung Quốc.

Nhưng thực tế là, người Ấn Độ có thể không nói tốt về hàng hóa Trung Quốc, nhưng họ thực sự là người hâm mộ của các sản phẩm “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc), do giá thành rẻ và chất lượng tốt. Điện thoại di động là một ví dụ.

Dù trong tháng 6/2020, các thương hiệu điện thoại thông minh của Trung Quốc đánh mất thị phần ở Ấn Độ, song họ vẫn chiếm tới 72% thị phần nước này.

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ không hội nhập kinh tế chặt chẽ như Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế châu Á vẫn hợp tác khá sâu rộng.

Nếu chính quyền Modi đi quá xa trong vấn đề này, nền kinh tế Ấn Độ có thể sụp đổ, châm ngòi bất bình đối với Chính phủ.

Giải quyết vấn đề này là bài toán khó đặt ra cho ông Modi. Sẽ rất nguy hiểm nếu tình cảm dân tộc chủ nghĩa không xoa dịu mà còn làm cho những người dân Ấn Độ bình thường giận dữ hơn.

Tuy nhiên, may mắn cho ông Modi là người Ấn Độ tuy dễ bị kích động nhưng cũng có khuynh hướng dễ dịu lại. Chính phủ Ấn Độ có thể tạo môi trường thuận lợi để xua tan cơn giận dữ của người dân.

Tham vọng của Ấn Độ là trở thành siêu cường quốc tế. Từ góc nhìn này, Trung Quốc là đối tác không thể thiếu.

Nếu phát triển thuận lợi, Ấn Độ có thể mất 10-20 năm để trở thành một nền kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, con đường này sẽ rất gập ghềnh vì có nhiều yếu tố toàn cầu không thuận lợi cho Ấn Độ.

Một mặt, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa gặp nhiều thất bại quy mô lớn, Ấn Độ đã tự phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế quốc gia khi hủy hoại quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác, ngoài Trung Quốc thì hầu như không có quốc gia nào khác có thể giúp đỡ Ấn Độ.

Kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, không có quốc gia phương Tây nào thực sự hỗ trợ kinh tế đáng kể cho nước này.

Với cả châu Âu và Mỹ, Ấn Độ chỉ là một thị trường không hơn không kém. Họ không thực sự tin tưởng New Delhi và thất vọng với môi trường đầu tư của Ấn Độ. Do vậy, khi làm tổn hại mối quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tự rải đinh lên con đường trở thành cường quốc của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.