Theo Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, từ đêm 20-28/2 (tức 11-19 tháng Giêng), khu vực Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa và chiều trời nắng; riêng phía Tây Bắc Bộ ngày 21-22/2 có nơi nắng nóng. Khoảng 23-24/2, có mưa rải rác; từ 24/2 khả năng trời chuyển rét.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa và chiều trời nắng. Riêng khu vực phía Tây của Bắc Trung Bộ ngày 21-22/2 có nơi nắng nóng.
Từ ngày 24/2, Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Các khu vực khác ngày nắng, riêng miền Đông Nam Bộ có nắng nóng, đêm không mưa.
Nhận định xa hơn về hình thái thời tiết trong tháng Ba, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm trong tháng 3/2024.
Tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây.
Như vậy, người dân du Xuân, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời, dự lễ hội ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong thời gian này sẽ khá bất tiện với tình trạng mưa phùn, độ ẩm tăng cao.
Tuy nhiên, hình thái thời tiết này được coi là đặc trưng của Bắc Bộ mỗi dịp Xuân về nên nhiều du khách sẽ vẫn hưởng ứng không gian lễ hội đặc sắc; trong đó có một số lễ hội độc đáo như: Lễ hội chùa Hương tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch; Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng tại Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; Lễ hội Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng; Lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm.
Trong khi đó, khu vực phía Nam duy trì hình thái thời tiết ngày nắng, đêm không mưa. Với hình thái thời tiết này, người dân rất thuận tiện trong việc đi lại, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội dịp Xuân Giáp Thìn 2024 như: Lễ hội núi Bà Đen (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) diễn ra từ đêm 18 đến ngày 19 tháng Giêng; Hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà) diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng ở Bình Dương...
Ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, ngay sau Tết Nguyên Đán, sẽ có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, các lễ hội lớn tiêu biểu và các hoạt động khác diễn ra trong phạm vi cả nước vốn thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân trong thời gian qua.
Để nhân dân chủ động tham gia các hoạt động trên được thuận lợi, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình trong dịp vui xuân Giáp Thìn 2024, người dân cần theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo được cập nhật thường xuyên trên Website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực và cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương./.
Nắng bao trùm cả nước, nhiệt độ ở Bắc Bộ lên tới 31 độ C
Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội sáng sớm có sương mù, trưa chiều giảm mây trời nắng, nhiệt độ cao nhất từ 28-31 độ C. Khu vực Đông Nam Bộ nắng nóng, nhiệt độ lên tới 37 độ C.