Thông điệp của Iran từ chiến lược hàng hải “bên miệng hố chiến tranh”

Việc Iran liên tục có các hoạt động khiêu khích hàng hải cũng cho thấy họ nghĩ rằng họ có thể chịu được sức ép của các lệnh trừng phạt và dùng chính thái độ đó để buộc đối phương nhượng bộ.
Tàu chiến của hải quân Iran tại Eo biển Hormuz. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Iran dường như lại bắt đầu tăng cường các hoạt động khiêu khích hàng hải nhằm đạt được đòn bẩy trong đàm phán với phương Tây và thể hiện sức mạnh của chính mình trên “sân nhà.”

Tuy nhiên, hành vi gây hấn như vậy có nguy cơ đe dọa an ninh khu vực và làm đảo lộn kế hoạch đàm phán. Stratfor - trang mạng chuyên phân tích thông tin tình báo, địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ - ngày 4/8 đã đăng bài phân tích về động thái mới này của Iran, nội dung như sau:

Một vụ cướp biển và một vụ tấn công tàu chở dầu gây chết người xảy ra chỉ cách nhau vài ngày gần eo biển chiến lược Hormuz cho thấy Iran sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao hơn, tương tự như trước đây khi hải quân Iran thường xuyên tiến hành các vụ quấy rối hàng hải.

Hôm 3/8, tàu chở dầu Asphalt Princess mang cờ Panama đã bị cướp biển tấn công khi đang di chuyển qua Vịnh Oman và được yêu cầu phải chuyển hướng tới Iran. Vụ cướp con tàu thuộc sở hữu của công ty có trụ sở tại Dubai này xảy ra chỉ vài ngày sau khi một máy bay không người lái (UAV) được cho là của Iran tấn công và giết chết 2 thủy thủ trên tàu chở dầu Mercer Street của Israel.

Mặc dù các chi tiết cụ thể về sự liên quan của Iran trong cả 2 vụ việc trên có thể không bao giờ được xác nhận, nhưng dựa trện tiền lệ từng xảy ra trong quá khứ, cộng với yếu tố gần về địa lý và động cơ gây hấn, Tehran nhiều khả năng chính là thủ phạm.

[Tàu Hải quân Iran lần đầu tiên tiến vào Đại Tây Dương]

Những kẻ tấn công có vũ trang bị tình nghi là người Iran khống chế tàu Asphalt Princess đã rời khỏi tàu hôm 4/8. Theo bài báo độc quyền đăng trên The Times, các thủy thủ trên tàu đã kịp tắt máy ngay sau khi đám hải tặc xâm nhập tàu và đó là lý do vì sao vụ cướp cuối cùng đã không thành.

Iran bác bỏ liên quan tới vụ cướp tàu Asphalt Princess, đồng thời cảnh cáo giới quan sát bên ngoài đừng có chĩa mũi dùi vào Tehran. Thế nhưng, trong cuộc trao đổi qua radio có ghi âm với cảnh sát biển Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một thành viên thủy thủ tàu đã nói rằng những tên cướp biển là người Iran và chúng muốn tàu phải chuyển hướng tới cảng Bandar Abbas của Iran.

Có vẻ như Iran đang chứng tỏ họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro sau khi tân Tổng thống Ebrahim Raisi nhậm chức, đồng thời muốn tìm cách để Iran có được sự tôn trọng ở cả trong nước cũng như bên ngoài.

Thái độ khiêu khích hàng hải của Tehran xảy ra đúng vào thời gian chính quyền mới của Iran do tân Tổng thống theo đường lối bảo thủ cứng rắn hơn đứng đầu ra mắt, điều đó có thể đang phát đi tín hiệu rằng Iran bắt đầu thực thi chiến lược hiếu chiến hơn trong khu vực và đối với các cường quốc trên thế giới.

Chiến lược hàng hải “bên miệng hố chiến tranh” đó có thể giúp Iran chuyển tải thông điệp khuyếch trương sức mạnh và dám thách thức của chính quyền mới bởi Tổng thống Raisi rất muốn tạo ra sự khác biệt với người tiền nhiệm theo trường phái ôn hòa Hassan Rouhani, đồng thời cũng muốn tập trung củng cố chủ quyền của Iran.

Trong 8 năm cầm quyền, cựu Tổng thống Rouhani thường phải đối mặt với những chỉ trích của phe cứng rắn trong nước cho rằng ông quá nhún nhường với phương Tây.

Nhiệm kỳ của Rouhani chắc chắn sẽ được ghi nhớ vì đã đàm phán và ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử - tên chính thức là Kế hoạch Hành động Chung toàn diện (JCPOA) - với Mỹ và các cường quốc khác, song lại để chính quyền Mỹ không những đơn phương rút khỏi thỏa thuận mà còn gây áp lực tối đa với Iran thông qua hàng loạt các lệnh trừng phạt bổ sung, ép Tehran phải điều chỉnh lại thái độ ứng xử trong khu vực.

Chính vì vậy, những vụ tấn công hàng hải như vụ việc hôm 3/8 có thể là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm mục tiêu được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt như đã được nêu trong thỏa thuận JCPOA.

Không có sức mạnh quân sự tương đương các nước trong khu vực và cũng có khá ít đồng minh thân thiết, chiến thuật đàm phán với phương Tây của Iran thường có các biện pháp cân bằng rủi ro và phát đi thông điệp tới Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng trừng phạt Iran sẽ phải trả giá đắt.

Việc Iran liên tục có các hoạt động khiêu khích hàng hải cũng cho thấy họ nghĩ rằng họ có thể chịu được sức ép của các lệnh trừng phạt và dùng chính thái độ đó để buộc đối phương nhượng bộ.

Chiến lược này cũng phù hợp với thông điệp của Tổng thống Raisi gửi người dân trong nước, vì ông muốn cho người dân Iran thấy sức mạnh và khả năng chịu đựng sức ép của Iran, đồng thời cũng cho thấy ý định chỉ chấp nhận đàm phán khi các điều khoản thương lượng phù hợp với lợi ích của Iran.

Hành động khiêu khích trên biển ngày càng tăng của Iran có thể khiến tiến trình đàm phán với các nước phương Tây sắp tới gặp nhiều khó khăn. Các sự cố mới đây đã khiến tình hình an ninh trong khu vực thêm phức tạp.

Đe dọa các tàu thương mại sẽ gây ra mối nguy hiểm về kinh tế và an ninh cho hàng loạt các quốc gia, kể cả các nước đang tham gia đàm phán với Iran ở Vienna (Áo).

Tần suất gia tăng các vụ việc khiêu khích cũng cho thấy nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trong khu vực ngày càng cao, kể cả tấn công tàu trên biển hay các cơ sở hạ tầng dầu khí ở các nước láng giềng, nhất là những nước có quan hệ mật thiết với phương Tây như Saudi Arabia và UAE.

Anh đã thể hiện sự bất bình trước vụ việc công dân của họ bị thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái hồi tuần trước và sự việc này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Anh-Iran cũng như tới các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai.

Trong vài tháng gần đây, Iran và ủy bản JCPOA đã tiến hành 6 vòng đàm phán tại Vienna nhưng giờ lại rơi vào bế tắc. Hiện chưa biết bao giờ các bên mới tiến hành vòng đàm phán tiếp theo và nếu Iran tiếp tục có các hành động hiếu chiến, vòng đàm phán tiếp theo chắc sẽ còn lâu mới có thể diễn ra.

Liên minh châu Âu (EU) đã cử ông Enrique Mora, Phó Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu đồng thời là Điều phối viên các cuộc đàm phán hạt nhân do EU dẫn đầu với Iran, làm đại diện của EU tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Raisi hôm 5/8.

Thế nhưng, quan hệ EU-Iran vẫn có thể sứt mẻ, khiến EU không mặn mà ủng hộ tiếp tục đàm phán nếu Iran vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích đe dọa thông thương hàng hải thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục