Thông điệp liên bang đa mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump mong muốn các phe phái chính trị gạt bỏ mọi bất đồng để hướng tới một tương lai, với tuyên bố "hiện là thời điểm thuận lợi để bắt đầu giấc mơ Mỹ."
Thông điệp liên bang đa mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau một năm gây xáo trộn thế giới với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên," Thông điệp liên bang 2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump với những ngôn từ hoa mỹ về sức mạnh của nước Mỹ, tinh thần Mỹ và sự đoàn kết được nhìn nhận là thể hiện sự mềm dẻo, hứa hẹn sự lạc quan và hợp tác của nhà lãnh đạo vốn có nhiều quyết sách gây tranh cãi này, hướng tới mục tiêu đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Với chủ đề “Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào,” thông điệp liên bang của Tổng thống Trump đã tái hiện tầm nhìn về việc “cải cách tinh thần Mỹ” mà ông từng đưa ra trong diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi mới nhậm chức.

Điểm nhấn trong văn bản này là lời kêu gọi của ông chủ Nhà Trắng mong muốn các phe phái chính trị gạt bỏ mọi bất đồng để hướng tới một tương lai, với tuyên bố "hiện là thời điểm thuận lợi để bắt đầu giấc mơ Mỹ."

Từ luận điểm này, Tổng thống Trump đã điểm lại những thành tựu, chính sách nổi bật trong năm đầu tiên cầm quyền với nhiều dấu ấn, như việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), siết chặt các quy định nhập cư, hay thúc đẩy mạnh mẽ chính sách "Nước Mỹ trước tiên"...

[Báo chí Mỹ phản ứng trái chiều về Thông điệp Liên bang của Tổng thống]

Ông Trump cũng dành nhiều thời gian để đề cập chính sách nhập cư hay các nỗ lực giảm hàng rào thương mại khắp thế giới đối với xuất khẩu của Mỹ, nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với các đối tác.

Trong các vấn đề đối ngoại, Tổng thống Trump nhấn mạnh tới các cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria với những kết quả tích cực có được từ sự phối hợp với Nga và các nước đồng minh.

Với Iran hay tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dành những lời lẽ mềm mỏng khi đề cập tới các đối tác - đối thủ là Trung Quốc và Nga.

Với những nội dung trên, giới phân tích đánh giá Tổng thống Trump tiếp tục gửi đi một thông điệp rõ ràng nhấn vào trọng tâm "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" đúng như khẩu hiệu quen thuộc của ông trong chiến dịch vận động tranh cử 2 năm về trước.

Nhưng đặt sang một bên những thành tựu đối nội cũng như những vấn đề đối ngoại gai góc, có thể nhận thấy mục tiêu xuyên suốt trong thông điệp kéo dài một tiếng rưỡi của ông Trump là kêu gọi sự gắn kết và hòa giải trong nội bộ nước Mỹ, từ người dân bình thường tới các nghị sỹ, coi đây là nền tảng vững chắc để nước Mỹ trở nên an toàn và mạnh mẽ hơn.

Và đây cũng là nền tảng vững chắc để ông tiếp tục theo đuổi giấc mơ về nước Mỹ vĩ đại sau một năm nhiều dấu ấn khác biệt.

Thực tế, bên cạnh những thành tựu kinh tế không thể phủ nhận, một năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Trump là sự đan xen các quyết định gây tranh cãi cả trong và ngoài nước.

Cho rằng lợi ích của nước Mỹ không dựa vào các quan hệ đối tác an ninh cùng có lợi ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông, ông Trump đã dẫn dắt nước Mỹ bước vào giai đoạn mới, chuyển từ chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ có tính hướng ngoại sang hướng nội.

Trong 365 ngày cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Trump đã rút khỏi TPP, buộc các nước tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, đặt câu hỏi về tính hữu dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...

Những trụ cột hỗ trợ "chiến lược lớn" (ra đời trên cơ sở những dàn xếp của các cường quốc thời hậu Chiến tranh thế giới thứ 2) dường như bị lung lay trước tác động của những vấn đề mang tính hệ thống nói trên.

Bên cạnh đó, Washington còn chỉ ra một loạt nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, tìm cách áp đặt các biện pháp bảo hộ theo hướng có lợi cho nước này, với lập luận rằng tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ trì trệ và người lao động Mỹ mất việc làm. Tất cả đều toát lên nhãn quang thực dụng của một nhà lãnh đạo xuất thân từ giới kinh doanh.

Những quyết sách này nhằm mục tiêu xuyên suốt "Nước Mỹ trước tiên" nhưng không khỏi khiến người dân Mỹ và một bộ phận không nhỏ chính giới hoài nghi về vị thế của nước Mỹ trên toàn cầu. Cũng những quyết sách này đã khiến Tổng thống Trump trở thành chính trị gia gây mâu thuẫn, chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Trong bức tranh toàn cảnh với nhiều mảng màu đối lập này, Thông điệp liên bang là cơ hội để Tổng thống Trump tái khẳng định những thành tựu đã làm được và kêu gọi sự đồng thuận, hòa giải từ người dân tới chính giới, đặc biệt khi chính trường Mỹ luôn là sàn đấu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Điều này là dễ hiểu khi năm 2018 được đáng giá là năm khó khăn đối với chính quyền của Tổng thống Trump khi là năm diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, vốn theo truyền thống được coi là “không thuận lợi” cho các tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Đảng Dân chủ đang thể hiện rõ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát quốc hội trong 2 năm còn lại nhiệm kỳ của ông Trump, trong bối cảnh thế đa số mong manh mà phe Cộng hòa nắm giữ tại Thượng viện Mỹ đã suy yếu khi lần đầu tiên sau 25 năm, một ứng cử viên Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng viện bổ sung tại bang Alabama hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, một bang truyền thống của đang Cộng hòa.

Thực tế này đặt ra thách thức lớn nhất mà Tổng thống Trump phải đối mặt là mở rộng thành phần ủng hộ để có thể lật ngược tình thế, nếu không muốn theo chân hai tổng thống tiền nhiệm là George W.Bush và Barack Obama, những người đều nhận thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nếu không lật ngược thế cờ, Tổng thống Trump và êkíp của ông sẽ gặp khó khăn hơn trong các quyết sách sau này.

Với việc tập trung nêu bật những thành tựu nổi bật mà chính quyền của ông đạt được trong năm cầm quyền đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh tới sự đoàn kết, rõ ràng, bên cạnh mục tiêu dài hạn "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", trong Thông điệp liên bang này, Tổng thống Trump muốn hướng tới mục tiêu ngắn hạn hơn với hy vọng có thể có tác động tới tâm lý của cử tri, qua đó thay đổi phần nào cục diện cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.