Thông điệp tích cực về hòa giải giữa hai miền Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ “ý chí vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ” quan hệ với Hàn Quốc và “viết nên trang sử mới thống nhất hai miền.”
Thông điệp tích cực về hòa giải giữa hai miền Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc gặp với đoàn đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Trong bữa tiệc tối tiếp đoàn của đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ “ý chí vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ” quan hệ với Hàn Quốc và “viết nên trang sử mới thống nhất hai miền.”

Một lần nữa những thông điệp tích cực về hòa giải và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đã được đích thân lãnh đạo hai nước đưa ra.

Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un gặp các quan chức Hàn Quốc. Theo Yonhap, cuộc gặp kéo dài hơn 4 giờ. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết tham gia buổi tiệc đón đoàn có phu nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bà Ri Sol-ju và bà Kim Yo-jong - em gái và là cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên và hiện phụ trách các vấn đề về quan hệ liên Triều Kim Yong-chol.

[Ông Kim Jong-un nhất trí tiến hành cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc]

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết ông Kim Jong-un và phái đoàn Hàn Quốc đã thảo luận nhiều vấn đề. Sau khi lắng nghe đặc phái viên Hàn Quốc trình bày thiện chí của Tổng thống Moon Jae-in về việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng các quan chức Hàn Quốc trao đổi quan điểm và hai bên đã "đạt được một thỏa thuận thỏa đáng.”

Theo KCNA, ông Kim Jong-un cũng đã trao đổi sâu các quan điểm về vấn đề giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như thúc đẩy đối thoại, tiếp xúc và hợp tác.

KCNA không nêu rõ nội dung thỏa thuận. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết thông tin chi tiết về cuộc gặp sẽ được công bố sau khi phái đoàn trở về từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của Phủ Tổng thống cho biết chuyến đi của đoàn đặc phái viên "không gây thất vọng."

KCNA cũng không đề cập tới việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như cơ hội đối thoại Mỹ-Triều Tiên. Trước đó, Tổng thống Moon Jae-in cho biết một cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai miền liên Triều sẽ cần có điều kiện tiên quyết là nối lại đối thoại Mỹ-Triều Tiên. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để khởi động lại các vòng đàm phán quốc tế về giải pháp hòa bình cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Theo kế hoạch, sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đoàn đặc phái viên Hàn Quốc sẽ tiếp tục có cuộc gặp với các quan chức Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Phái đoàn sau đó sẽ lên đường về Hàn Quốc trong ngày 6/3. Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong, người dẫn đầu đoàn đặc phái viên cùng Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Seo Hoon, - một thành viên của đoàn 10 người, sẽ tới Mỹ để trao đổi về kết quả chuyến công du Triều Tiên và thảo luận phương hướng hợp tác Hàn-Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh đối thoại cấp cao giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng các nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sớm đạt được tiến triển. Ông Guterres nhấn mạnh các bên cần duy trì đối thoại và tập trung vào việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên theo con đường hòa bình. TTK LHQ sẵn sàng hỗ trợ tiến trình này nếu cần thiết.

Thông điệp tích cực về hòa giải giữa hai miền Triều Tiên ảnh 2Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, phải) trong cuộc gặp với đoàn đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong (giữa, trái) dẫn đầu, tại Bình Nhưỡng. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa hai miền liên Triều trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nêu rõ Seoul cần tập trung xây dựng "khả năng phòng thủ nhanh chóng và hiệu quả nhằm đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng."

Chuyến đi tới Bình Nhưỡng của đoàn đặc phái viên mở ra cơ hội để hai miền Triều Tiên "có thể đạt được mục tiêu hòa bình và phi hạt nhân hóa thông qua các nỗ lực chung" song Seoul vẫn sẽ phải tiếp tục phát triển hơn nữa hệ thống phòng thủ với Mỹ. Ông lưu ý hòa bình không thể tồn tại lâu dài nếu không có sức mạnh quân sự vững chắc.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết Tokyo tin tưởng Hàn Quốc vẫn giữ vững cam kết với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho biết Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang phối hợp chặt chẽ với nhau.

Chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm thận trọng khi cân nhắc việc các nỗ lực đối thoại trong quá khứ đã không thể đưa tới một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng trong thời gian tới.

Lầu Năm Góc vẫn duy trì thái độ "lạc quan dè dặt" về kết quả đối thoại liên Triều. Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định quan điểm của Washington không thay đổi, đó là Triều Tiên cần cho thấy những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa trước khi tiến hành đối thoại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Moon Jae-in liên quan đến Triều Tiên, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều "lưu ý lập trường vững chắc rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào với Triều Tiên phải được tiến hành với mục tiêu rõ ràng về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược."

Chưa thể nói trước điều gì về tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên khi các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực và thiện chí của cả Hàn Quốc và Triều Tiên cho tới thời điểm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.