Canada đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với công dân nước mình, nhưng Thủ tướng Justin Trudeau ngày 8/7 cho biết sẽ "cần thêm một thời gian" trước khi cho phép khách du lịch nước ngoài chưa tiêm phòng được nhập cảnh Canada.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Trudeau cho biết: "Chúng ta cần tiếp tục đảm bảo rằng sự an toàn của người Canada sau tất cả những hy sinh của rất nhiều người trong nhiều tháng qua không trở nên vô nghĩa."
Tuy nhiên, ông Trudeau cũng để ngỏ khả năng thay đổi quy định "trong vài tuần tới" để cho phép tất cả các khách du lịch đã tiêm đủ vaccine được nhập cảnh.
Ottawa đang chịu sức ép gia tăng từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, đòi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa biên giới Canada với Mỹ - đường biên giới dài nhất thế giới - sau một thời gian dài đóng cửa đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau cho biết Chính phủ Canada không muốn hủy hoại những tiến bộ rất khó mới đạt được trong việc kiềm chế dịch.
Thực tế là trong nhiều tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới tại Canada đã giảm đang kể trong khi tỷ lệ tiêm phòng tăng cao.
Đến tuần này, Canada đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với công dân nước mình và cư dân định cư vĩnh viễn khi từ nước ngoài trở về, nếu họ đã tiêm phòng đầy đủ.
[Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 9/7: Hơn 186 triệu ca mắc]
Tại Chile, với việc hơn 73% dân số được tiêm phòng COVID-19, ngày 8/7, chính phủ nước này đã thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, song vẫn đóng cửa biên giới.
Từ tháng 2, quốc gia có 19 triệu dân này đạt tỷ lệ tiêm phòng 73,1% đối tượng mục tiêu và đến nay, hơn 11 triệu người đã được tiêm phòng. Nhờ vậy, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong trong tháng qua đã giảm.
Chile là một trong những nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong thời gian dài nhất. Hầu hết trường học đã giảng dạy trực tuyến từ tháng 3/2020.
Ngày 8/7, chính phủ Chile thông báo sẽ cho phép học sinh trở lại trường, tuy nhiên phụ huynh sẽ là người quyết định có cho con đi học hay không. Quy định mới cũng rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh và cho phép nhiều hoạt động kinh doanh được trở lại.
Các cổ động viên cũng được phép đến sân vận động xem các trận đấu bóng. Tuy nhiên, biên giới vẫn chưa được mở cửa hoàn toàn và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn hiệu lực tùy theo từng địa phương.
Tại Argentina, chính phủ nước này thông báo đã đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm Moderna của Mỹ để mua vaccine ngừa COVID-19 nhằm đáp ứng nhu cầu cho chương trình tiêm chủng đại trà mà quốc gia Nam Mỹ này đang triển khai trong bối cảnh mối đe dọa về làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Chánh Văn phòng Nội các Argentina Santiago Cafiero cho biết hai bên sẽ ký kết thỏa thuận vào đầu tuần tới, song không tiết lộ chính xác số lượng vaccine mà nước này sẽ mua của tập đoàn này.
Hiện Argentina vẫn tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc với các loại vaccine đã được cấp phép như Sputnik V, AstraZeneca, Covishield và Sinopharm.
Theo số liệu chính thức, đến nay đã có 23,7 triệu trong tổng số khoảng 45 triệu người dân Argentina đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, song mới chỉ có 4,9 triệu người đã được tiêm mũi thứ 2.
Argentina là một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 với gần 4,6 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 97.000 trường hợp tử vong./.