Phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Dự kiến sẽ có 11 môn

Thông tin mới nhất về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Kỳ thi dự kiến gồm 11 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc và các môn lựa chọn. Hình thức thi tự luận với môn Ngữ văn và trắc nghiệm với các môn còn lại, tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Học sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có thông báo số 1489/TB-BGDĐT kết luận về dự thảo phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu để tổ chức kỳ thi hằng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay.

Kỳ thi tổ chức theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tổng số có 11 môn được tổ chức thi, trong đó có 4 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử; các môn lựa chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học, Địa lý.

Như vậy, kỳ thi dự kiến sẽ không bao gồm các môn lựa chọn còn lại là Âm nhạc, Mỹ thuật.

[Có khả năng xem xét khởi tố 2 thí sinh làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT]

Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu, giải trình rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, những điểm mới và những khó khăn vướng mắc chủ yếu trong triển khai thực hiện để xem xét, lựa chọn số môn thi của phương án thi.

Hình thức thi như hiện nay là tự luận với môn Ngữ văn và trắc nghiệm với các môn còn lại. Nội dung thi bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo chương trình mới của học sinh.

Phương thức xét tốt nghiệp vẫn kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Cục Quản lý chất lượng chủ trì hoàn thiện dự thảo phương án thi đồng thời, tiếp tục xin ý kiến bằng văn bản tới 63 sở giáo dục và đào tạo trên cả nước để có thêm căn cứ hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ để trình Thường trực Chính phủ xem xét, cho phép công bố trong tháng 9./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục