Thông tin tích cực chưa ‘xoa dịu’ bất an của nhà đầu tư chứng khoán?

Sau khi Trung Quốc công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6, đã có dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc chiến tranh thương mại sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế chung.
Thông tin tích cực chưa ‘xoa dịu’ bất an của nhà đầu tư chứng khoán? ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Nhà đầu tư khởi động tuần mới (ngày 2/7) với tâm lý khá xấu khi áp lực bán chiếm ưu tiếp tục thế, VN-Index quay đầu giảm mạnh. Thời điểm rơi thấp nhất trong phiên, VN-Index đã chạm mức 932,66 điểm (về gần sát đáy cũ 931,75 điểmngày 28/5).

Trước những động thái thị trường, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán MBS cho rằng, mặc dù thông tin kinh tế trong nước là khá tích cực song nó vẫn chưa đủ mạnh để có thể “xoa dịu” những bất an của giới đầu tư.

[Các lĩnh vực kinh tế đồng thời khởi sắc khiến GDP tăng kỷ lục 7,08%]

Đi cùng diễn biến tâm lý, thanh khoản thị trường cũng duy trì ở mức thấp, giá trị khớp lệnh chỉ đạt 3.300 tỷ đồng, toàn thị trường có 63 mã tăng/236 mã giảm giá, trong đó 24 mã đã giảm sàn,  riêng trong rổ VN30 có tới 23 mã giảm/4 mã tăng giá.

Tuy nhiên trong bối cảnh hoảng loạn đó, nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng mạnh với 237,6 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Thông tin tích cực

Trước những diễn biến đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát đi thông điệp trấn an nhà đầu tư: “Trong thời gian vừa qua, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động do chịu sự tác động từ thị trường chứng khoán thế giới và châu Á, nhưng thị trường trong nước vẫn đạt được một số kết quả khả quan. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tính chung 6 tháng đầu năm khối ngoại mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.”

Đáng chú ý, giá trị giao dịch trên thị trường phái sinh trong tháng 6 đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 1.983.614 hợp đồng, tổng giá trị giao dịch heo quy mô danh nghĩa 193.371 tỷ đồng. Điều này, cho thấy chứng khoán phái sinh ngày càng trở nên hấp dẫn.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng phát đi tín hiệu tích cực, GDP 6 tháng đầu năm tăng cao nhất kể từ năm 2011 với mức 7,08%, vốn đầu tư gián tiếp vào ròng (từ ngày 1/6-26/6)  ước đạt 34 triệu USD. Thống kê từ đầu năm đến nay, dòng vốn gián tiếp chảy ròng vào thị trường Việt Nam đạt 2,28 tỷ USD với giá trị danh mục đầu tư lên tới 35,7 tỷ USD.

Phản ứng quá đà?

Trước đó, diễn biến thị trường trong tuần cuối cùng của tháng Sáu là khá tiêu cực, VN-Index đã có ba phiên giảm điểm và hai phiên hồi phục. Mức cao nhất và thấp nhất của VN-Index trong tuần lần lượt là 997,34 điểm và 950,48 điểm, song khối ngoại vẫn duy trì mua ròng với giá trị 2.065,18 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Theo ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), “thị trường có tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp, VN-Index đã phải lùi xuống và tìm kiếm vùng tích lũy ở mức giá thấp hơn khi từ gần ngưỡng 1.050 điểm rơi xuống gần vùng 950 điểm. Thanh khoản trong giai đoạn này không tăng mà thậm chí còn thấp dần đi cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường và diễn biến tăng giảm giằng co thời gian gần đây cũng cho thấy nhà đầu tư rất sự thận trọng, thậm chí tâm lý chán nản có phần tăng lên.”

Trái với thông tin trong nước, kinh tế thế giới đang đứng trước một thách thức mới khi Chính phủ Trung Quốc công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6, trong đó chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu của họ đã sụt giảm từ 51,2 điểm xuống 49,8 điểm.

Ông Trần Hoàng Sơn nhấn mạnh, “đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc chiến tranh thương mại sắp tới sẽ có ảnh hưởng thực sự và tiêu cực tới sự tăng trưởng kinh tế chung. Từ ngày 29/6, tin tức cập nhật trên giới truyền thông cho thấy, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chuẩn bị nâng mức thuế quan với các mặt hàng nhập khẩu của nhau, đánh dấu một sự leo thang lớn trong cuộc xung đột thương mại lần này.”

Cộng thêm những diễn biến thị trường trong nước, ông Sơn cho rằng, khi thông tin kinh tế trong nước chưa đủ mạnh để “xoa dịu” nỗi bất an thì kịch bản hồi phục của thị trường là khá mong manh, khả năng thị trường sẽ kiểm tra lại vùng đáy cũ là hiện hữu.

“Nếu đà giảm không được hãm với mãnh lực đi lên từ nhóm cổ phiếu trụ cột hay các thông tin hỗ trợ mới xuất hiện thì rõ ràng cần phải chuẩn bị tâm lý cho kịch bản xấu,” ông Sơn thẳng thắn.

Với diễn biến chung, trong Báo cáo tư vấn đến với các nhà đầu tư, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư nên tập trung vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, bởi một số công ty niêm yết sẽ phát đi những thông tin trước khi các Báo cáo tài chính được phát hành. Song bên cạnh đó, bà Phương lên tiếng, “những thông tin về chiến dịch chống tham nhũng, thị trường ngoại hối cũng như rủi ro tiềm tàng của một cuộc chiến thương mại quốc tế, tất cả đều được xem xét trước khi ra các quyết định đầu tư”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục