Trong nhiều ngày qua, nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Tại Thủ đô Hà Nội trong tháng Sáu đã ghi nhận đợt nắng nóng dài nhất trong 5 thập kỷ qua.
Nắng nóng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nguy cơ cao về cháy rừng, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đợt nắng nóng kéo dài nhất trong lịch sử
Hôm nay, ngày 19/7/2020, ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao từ 35-39 độ C.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 6/2020, các tỉnh Bắc Bộ đã có 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng tại Hà Nội ghi nhận đã có 26 ngày nắng nóng và đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất ở các tỉnh Bắc Bộ từ năm 1971 đến nay.
Còn ở Trung Bộ, trong tháng Sáu có 27/31 ngày nắng nóng diện rộng, nhiệt độ phổ biến từ 36-39 độ C. Trong đó, huyện Đô Lương (Nghệ An) có nhiệt độ cao nhất là 41,2 độ C; huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là 41,1 độ C.
Trong tháng Sáu đã ghi nhận nền nhiệt trung bình trên cả nước đều cao hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C.
Trong nửa đầu tháng Bảy, các khu vực trên phạm vi toàn quốc có nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều năm khoảng từ 0,5-2 độ C, riêng các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn 2 độ C.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá, nắng nóng liên tục xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, phải đến ngày 20/7, nắng nóng mới có dấu hiệu suy giảm ở Bắc Bộ, trong khi Trung Bộ vẫn có khả năng kéo dài những ngày sau đó.
Dự báo nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ trong tháng Bảy và giảm dần trong tháng Tám. Trong khi đó, ở miền Trung, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên, tháng Tám vẫn có thể xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài 7-10 ngày.
Cũng theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.
[Bắc Bộ vẫn nắng nóng gay gắt, chỉ số tia UV ở Hà Nội gây hại rất cao]
Khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo dông, lốc, mưa đá...
Cụ thể, khu vực Hà Nội có khả năng xảy ra 8-10 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể đạt hơn 41 độ C.
Từ nay đến cuối năm, khu vực Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới tập trung vào các tháng Bảy, Tám và Chín.
Nắng nóng ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp
Nắng hạn kỷ lục kéo dài suốt 2 tháng qua đã khiến hàng nghìn ha ruộng ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An… không thể gieo cấy; hàng nghìn ha lúa đã gieo cấy cũng đang rơi vào tình trạng "khát nước" khi hàng trăm hồ đập nước đã xuống dưới mực nước chết, nhiều hồ đã cạn trơ đáy.
Trong khi đó, kênh rạch, sông ngòi nước mặn xâm nhập vào quá sâu, không thể bơm nước tưới cây.
Các huyện Nông Cống, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Như Thanh... của tỉnh Thanh Hóa là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán gây ra.
Các cấp chính quyền và bà con nhân dân đã tìm mọi cách để cứu những cánh đồng lúa đã gieo cấy thiếu nước nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Tại tỉnh Nghệ An hiện có 11.000ha cây trồng bị hạn, trong đó gần 2.000ha lúa bị chết, cháy khô không còn khả năng cứu vãn.
Vùng bị ảnh hưởng nhất của nắng hạn tập trung ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi lốc, thành phố Vinh…
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, gần 3.000ha lúa của huyện đang bị hạn, trong đó gần 900ha đã có dấu hiệu chết cháy, 2.100ha đang thiếu nước nghiêm trọng.
Trong 10 ngày tới nếu không có mưa, toàn bộ 5.590ha lúa đã gieo cấy sẽ khô kiệt, trong đó 3.000ha lúa có khả năng bị chết.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, nguy cơ cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ cũng như nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn tăng cao ở các khu vực dân cư tăng cao.
Điển hình như vụ cháy rừng tại Nghệ An và Hà Tĩnh cuối tháng Sáu vừa qua, khiến hai tỉnh phải huy động hàng trăm người chữa cháy trong đêm…
Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến
Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao…
Ngày 18/7, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Theo Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Da liễu trung ương Đặng Bích Diệp cho hay những gày nắng nóng này, số người đến khám và điều trị các bệnh về da tại bệnh viện tăng 15-20%.
Trong số này có những trường hợp bị viêm da tiếp xúc do nắng, biểu hiện bằng các vùng ngứa, rát, đỏ, trường hợp nặng có bọng nước trên da sau khi đi nắng, ở những người mới đi biển về thậm chí còn có biểu hiện bỏng nắng, cháy nắng...
Thời điểm tia cực tím (UV) cao nhất, ảnh hưởng đến da nhiều nhất là từ 10-15 giờ hằng ngày.
Bác sỹ Đặng Bích Diệp lưu ý tốt nhất là hạn chế ra nắng vào thời điểm này, nhưng những người có công việc ngoài trời cần thực hiện các biện pháp bảo vệ như che chắn bằng các phương pháp vật lý (mặc quần áo chống nắng), trong đó quần áo màu sáng trông có vẻ mát hơn nhưng quần áo tối màu lại hạn chế hấp thụ tia UV hơn.
Bên cạnh đó, cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da.
Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi ngày đang có 2.500-3.500 trẻ đến khám bệnh, cao điểm nhất tiếp nhận 4.000 trẻ đến khám/ngày.
Theo bác sỹ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện tăng cao, đặc biệt, bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm phổi, rối loạn điện giải tăng gấp 150% so với những ngày bình thường.
Tương tự, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận trung bình 1.200 bệnh nhân/ngày. Như vậy, cần lưu ý đến trẻ em và người già vì đây là hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng…/.