Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng: Đền bù giá nào để yên lòng dân?

Nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở về cách định giá đất khi đền bù giải phóng mặt bằng cũng như công tác tái định cư sau khi người dân mất đất ở, mất tư liệu sản xuất.
Vấn đề giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai dự án. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Chiều 3/11, trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó nổi bật là việc định giá đất khi thu hồi phải sát giá thị trường để đáp ứng mong đợi của người dân.

Đền bù sát giá thị trường

Nhiều đại biểu đề xuất quy định Nhà nước thu hồi đất tất cả dự án phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án như nhà ở thương mại, khu đô thị, bãi bỏ cơ chế doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân.

Theo Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), có một thực tế là Nhà nước thu hồi đất và bồi thường cho người sở hữu theo bảng giá đất Nhà nước ban hành, trong khi doanh nghiệp thỏa thuận thì giá thường cao hơn.

Đại biểu Quốc hội cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong khi đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi thỏa thuận được trên 90% diện tích, thậm chí còn cao hơn mà vẫn không thể triển khai dự án bởi còn một số ít chủ sở hữu không đồng thuận.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chia sẻ bên lề kỳ họp. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cùng quan điểm, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng cần quán triệt nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư và không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng “hai giá” – giá Nhà nước đền bù và giá doanh nghiệp đền bù.

“Điều này sinh ra bất bình đẳng và mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Thậm chí mâu thuẫn giữa những người bị thu hồi đất vì giá đền bù khác nhau. Theo tôi, Nhà nước nên đứng ra thu hồi đất thông qua quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội,” Đại biểu nêu ý kiến.

Cụ thể, với dự án đất ở, thương mại, khu đô thị, Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp tham gia đấu giá, đấu thầu dự án. Trong quy hoạch 1/500, Nhà nước phải định dạng được không gian, phạm vi phát triển, gần như một sản phẩm của quy hoạch để đấu giá đất, đấu thầu dự án.

Toàn bộ tiền thu được từ đấu giá, đấu thầu dự án được sử dụng cho 3 mục đích: Trả lại chi phí Nhà nước đã đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng đến hàng rào ranh giới dự án; bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; và số còn lại để đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ lợi ích chung.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng cần xác lập rõ những tiêu chí, tách biệt rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế với dự án công cộng vì lợi ích quốc gia. Nếu dự án vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư nhiều hơn, bắt buộc áp dụng cơ chế thị trường để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Về phương pháp bồi thường, Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất. Theo đó, đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng những dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển quốc gia; những dự án đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua, hội đồng nhân dân các cấp thông qua của chủ trương là những dự án đủ điều kiện vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đó là những dự án được xem xét đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất để đấu thầu, đấu giá, xây dựng các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất là giá bồi thường phải đảm bảo sát giá thị trường và địa tô chênh lệch được phân bổ một cách hợp lý thì sẽ tạo ra bước đột phá, đáp ứng mong đợi của người dân.

Làm gì để 'dân an cư lạc nghiệp' ?

Trong nhiều thập kỷ, việc giải phóng mặt bằng để lấy diện tích “đất sạch” xây dựng các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần thay đổi diện mạo đất nước. Song, thực tế cũng đã có nhiều bất cập nảy sinh từ việc người dân bị thu hồi đất, cầm một khoản tiền lớn mà không thể tái định cư.

Đây là trăn trở của nhiều Đại biểu Quốc hội trong đó có ông Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh).

Dựa theo số liệu khảo sát, Đại biểu Thạch Phước Bình cho hay khi người nông dân bị thu hồi đất, nhiều người chuyển sang làm thuê, chỉ có số ít đi học nghề mới.

Tiền bồi thường, bảo trợ từ đất cũng chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng hết tiền bồi thường, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, họ không có thu nhập và đời sống trở nên khó khăn.

[Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều chính sách chưa có phương án tối ưu]

Từ thực tế này, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất.

“Dự thảo Luật cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề nghiêm túc, có hiệu quả, đặc biệt, cần quy định rõ vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất,” ông Bình nói.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang) cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) thảo luận tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bổ sung thêm giải pháp, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh quy định theo hướng người nông dân có đất nông nghiệp được góp vốn bằng chính mảnh đất của mình để khuyến khích, tích tụ đất đai phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. 

Bà Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị cần cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi để sau khi thu hồi đất thì người dân phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

“Việc quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ sẽ tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn,” đại biểu nêu ý kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục