VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết "Thu phát Teletype và Telephoto ở Thông tấn xã Giải Phóng" của điện báo viên TTXGP Ngô Dương Luận và Phạm Tấn Thành.
Trưa 30/4/1975, thành phố Sài Gòn và miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Đến chiều tối, phim ảnh của các phóng viên đi theo các mũi tiến công được đưa về in tráng và phát kịp thời ra Hà Nội ngay trong đêm.
Đến 6 giờ sáng 1/5/1975, trên bàn làm việc của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã có đầy đủ bộ ảnh về sự kiện lịch sử trên. Đó là kết quả kỳ diệu của sự nỗ lực lao động hết mình, sáng tạo và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các thiết bị kỹ thuật của các anh chị em khối kỹ thuật B8/1, Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) từ những năm 1970.
[Ba năm công tác ở Thông tấn xã Giải phóng - Những kỷ niệm vui buồn]
Khoảng giữa năm 1971 có đoàn cán bộ TTXGP (gồm các anh Hai Luận, Tư Phác, Chí Anh) vượt Trường Sơn ra Hà Nội xin chi viện cán bộ, phóng viên, biên tập tin và ảnh, cán bộ kỹ thuật về thiết bị thông tin xin trang bị bổ sung các máy thu phát 15W. Khi có điều kiện và tùy tình hình cho phép thì xin các thiết bị thông tin hiện đại.
Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) chọn, cử một số cán bộ kỹ thuật lâu năm, có kinh nghiệm, đồng thời mở lớp đào tạo thêm kỹ thuật viên mới. Mở lớp đào tạo phóng viên, biên tập viên (lớp GP10 do đồng chí Năm Xuân làm hiệu trưởng) tăng cường cho TTXGP. Một thời gian sau, chúng tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng để TTXGP thực hiện phát tin, ảnh từ chiến trường miền Nam ra Hà Nội bằng teletype và telephoto.
Về phía teletype, lúc bấy giờ ở VNTTX các thiết bị để thực hiện phát teletype chưa đồng bộ, không thể đưa vào làm việc ở chiến trường. Sau khi đề xuất với Bộ biên tập VNTTX và được chấp thuận chúng tôi vẽ sơ đồ khối chức năng, các thông số kỹ thuật chính của thiết bị để thực hiện phát teletype. Qua con đường ủy ban Thống nhất Trung ương, sáu tháng sau, chúng ta đã nhận được 3 bộ thiết bị đáp ứng yêu cầu do nước bạn sản xuất riêng cho TTXGP.
Về phát telephoto, lúc bấy giờ VNTTX chỉ mới thực hiện ở chế độ A4 (điều chế biên độ sóng mạng), chưa thực hiện ở chế độ F4 (điều chế tần số sóng mạng). Trong điều kiện ở chiến trường muốn phát telephoto đạt chất lượng cao thì phải thực hiện ở chế độ F4. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi liên hệ với một cán bộ kỹ thuật mới đi thực tập ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức về, tìm hiểu về kỹ thuật thu F4.
Từ kỹ thuật thu F4, chúng tôi suy ra chế độ F4 trên sơ đồ điện thực tế. Sau đó, chúng tôi cùng tổ telephoto của phòng kỹ thuật VNTTX thực hiện điều chỉnh thành công việc phát F4 trên thiết bị của mình.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ cuối 1971 đến gần cuối năm 1972, hai thiết bị kỹ thuật cốt yếu nhất, quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống thu phát teletype và telephoto đã được chuẩn bị xong. Toàn bộ các thiết bị cùng các phụ tùng kèm theo được đưa lên xe và ngày 20/4/1973, đoàn cán bộ kỹ thuật và xe thiết bị thông tin lên đường vào chiến trường miền Nam.
Đồng chí Trần Thanh Xuân (Năm Xuân) được cử vào thay đồng chí Bảy Lý chuẩn bị công tác ở Y4. Xe của đồng chí Năm Xuân cùng đi với đoàn xe này. Đoàn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các binh trạm trên đường dây 559.
Đoàn đến Trường Sơn vào giữa mùa mưa, gặp những cơn mưa rừng không dứt. Có đoạn dốc, đường trơn, binh trạm phải dùng xe xích kéo, đoàn xe mới qua được. Có đoạn đường đi qua trảng trống sình lầy, dưới là đá trơn trượt, hơn nữa đoàn xe lại phải đi ban đêm để tránh máy bay địch.
Khi đoàn đến phà Srêpôk, nước sông dâng cao, chảy xiết, việc qua sông rất khó khăn, nguy hiểm. Lúc đó có lệnh của Ủy ban Thống nhất Trung ương, đoàn gửi thiết bị thông tin ở lại binh trạm còn người và xe trở ra miền Bắc chờ đến mùa khô quay lại. Nhưng đoàn kiên quyết tiếp tục đi và thương lượng với bến phà cho đoàn qua sông. Với sự cẩn trọng của bến phà và anh em lái xe, đoàn qua sông Srêpôk an toàn.
Sau hơn một tháng rưỡi vượt Trường Sơn, đến giữa tháng 6/1973, đoàn đã đến căn cứ TTXGP ở rừng Tây Ninh.
Về tình hình B8, lúc bấy giờ Ban lãnh đạo TTXGP và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ đạo tách B8 thành hai B: B8/1: gồm bộ phận kỹ thuật thông tin hiện đại do đồng chí Hai Luận phụ trách chung, đồng chí Năm Thành phụ trách kỹ thuật; B8/2: gồm B8 trước đó, do đồng chí Sáu Nghĩa phụ trách chung.
B8/1 gồm có các tổ:
- Tổ thu do đồng chí Năm Kim làm Tổ trưởng và các tổ viên: Châu, Nga, Viết, Trung (Dũng), Lương, Hùng, Vượng.
- Tổ phát do đồng chí Năm Thành làm Tổ trưởng và các tổ viên: Minh, Ngân, Dụng, Ứng, Hồ.
- Tổ telephoto do đồng chí Ba Quý làm Tổ trưởng và các tổ viên: Hai Mần, Biện, Chất.
- Tổ sửa chữa teletype do đồng chí Đám làm Tổ trưởng và các tổ viên: Luyện, Hòa, Bề, Trần Duy Hân, Nguyễn Mậu Hân, Chung, Mạo, Huấn, Bá, Huynh.
- Tổ sửa chữa vô tuyến do đồng chí Vinh làm Tổ trưởng và các tổ viên: Do, Khoa, Ngọc, Giang, Huệ, Hà, Lộc.
- Tổ máy nổ do đồng chí Bảy Lợi làm Tổ trưởng và các tổ viên: Hòa, Bạo, Nghĩa, Tao, Chín Xinh, Chí, Thọ, Thanh, Dũng, Chút, Chức.
- Tổ Hành chính quản trị do đồng chí Hai Thi làm Tổ trưởng và các tổ viên: Hương, Hòa, Thấm, Thủy, Phương, Xuân, Thắng, Đàm, Đức.
- Tổ vật tư do đồng chí Lê Trường Kỳ làm Tổ trưởng và các tổ viên: Vũ, Mười Hòa.
Khi tách ra phải tìm và xây dựng căn cứ mới cho “thoáng” hơn và có điều kiện để xây dựng ăngten, đồng thời B8/1 bắt tay ngay vào công việc tổ chức, chăm lo đời sống cho anh em. B8/2 chia cho B8/1 một con heo nái, B8/1 nuôi sau này phát triển ra vài chục con. B8/1 tách một phần lực lượng của đơn vị tổ chức làm rẫy, đặt vó, bắt cá dưới sông, trồng rau xanh để anh em cải thiện bữa ăn hằng ngày.
B8/1 thành một tập thể sống chan hòa và đoàn kết. Từ tháng 9/1973 đến 30/4/1975, B8/1 đã liên tục phát tin và ảnh từ căn cứ TTXGP ra Hà Nội bằng teletype và telephoto.
Gần cuối năm 1974, phong trào đấu tranh cách mạng ở các đô thị miền Nam sôi động và lên cao, như phong trào học sinh sinh viên, công nhân lao động, bạn hàng các chợ... độc đáo là phong trào “Ký giả đi ăn mày."
Do yêu cầu tiếp cận tin tức nhanh hơn nên Trung ương Cục miền Nam chỉ thị: cắt một nửa lực lượng thu phát teletype của TTXGP chuyển sang làm việc ở Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam. Sau một tháng vận chuyển và lắp đặt, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ.
Qua việc này, một lần nữa khẳng định việc VNTTX và TTXGP chủ trương đưa về chiến trường miền Nam lúc bấy giờ kỹ thuật thu phát teletype và telephoto là quyết định vừa táo bạo vừa sáng suốt, kịp thời góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam trong lĩnh vực thông tin liên lạc./.