Theo CNBC, các cuộc khảo sát tại Đức thời gian qua cho thấy khả năng cao bà Angela Merkel sẽ được bầu làm Thủ tướng Đức trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra.
Tuy nhiên, ở Đức đang dấy lên nhiều đồn đoán về việc liệu đảng nào có thể gia nhập đảng Dân chủ Cơ đốc giáo chủ trương bảo thủ của bà Merkel để thành lập một chính phủ liên minh.
Nếu được tái bầu cử nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ tư, thì lựa chọn đối tác liên minh của bà Merkel sẽ nhanh chóng trở thành chủ đề chính, bởi tác động của vấn đề này đối với chính sách của chính phủ Đức có thể gây ảnh hưởng sâu rộng cho đất nước và khu vực.
Kết quả một cuộc khảo sát do tờ Bild am Sonntag công bố ngày 17/9 cho thấy đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim Thủ tướng Merkel đang dẫn đầu với 36% số người ủng hộ, tiếp sau là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz với 22% ủng hộ. Đứng thứ ba là đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chủ trương cực hữu và chống nhập cư với 11%.
Chuyên gia kinh tế Erik F. Nielsen thuộc Ngân hàng Unicredit nhận định: “Cho dù cuộc tổng tuyển cử ngày 24/9 tới diễn ra thế nào, bà Merkel sẽ vẫn là Thủ tướng Đức, còn ông Wolfgang Schaeuble sẽ vẫn là Bộ trưởng Tài chính Đức. Tuy nhiên, vẫn còn chút mơ hồ về việc liệu CDU/CSU sẽ liên minh với duy nhất đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong một liên minh mới, hay họ sẽ cần (hoặc muốn) liên minh với cả đảng Xanh trong một cái gọi là Liên minh Jamaica (ám chỉ ba màu cờ của Jamaica gồm đen (CDU-CSU)), vàng (FDP) và xanh (đảng Xanh). Lựa chọn khôn ngoan là thành lập liên minh CDU/CSU-FDP... song tôi có linh cảm bà Merkel muốn liên minh với cả đảng Xanh nữa."
[Bà Merkel tiến gần hơn đến nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư liên tiếp]
Tuy nhiên, Chủ tịch đảng FDP Christian Lindner, trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 16/9, cho rằng hiện chưa có một sự đồng thuận nào về liên minh cầm quyền với bà Merkel.
Chuyên gia Nielsen cho rằng cho dù bà Merkel ưa thích liên minh với đối tác nào thì việc hoàn tất các cuộc đàm phán thành lập liên minh có thể mất tới ba tháng. Ông cũng ám chỉ tới mâu thuẫn chính trị giữa bà Merkel và Chủ tịch đảng FDP Lindner.
Ông nêu rõ: “Chúng ta đều biết về mối quan hệ khá căng thẳng giữa bà Merkel và ông Lindner. Ông Lindner đã liên tục công kích bà Merkel trong vấn đề khủng hoảng tị nạn... và bà Merkel không quên điều đó. Với riêng bà Merkel, bà luôn phải đối phó với phe cánh hữu trong CDU cũng như đa số thành phần CSU khi mà bà sẽ tham gia các cuộc đàm phán với Tổng thống Pháp Macron về một thỏa thuận tương lai châu Âu."
Còn theo ông Dieter Kempf, Giám đốc Hiệp hội ngành công nghiệp Đức (BDI), chính phủ mới sẽ cần tập trung vào vấn đề đầu tư nội địa, trong đó có mảng đầu tư số hóa./.