Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi về vấn đề "nóng:" Lạm phát "cấp phó"

Những ngày qua, trong nghị trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng nóng lên chuyện "lạm phát" cấp phó.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Những ngày qua, trong nghị trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng nóng lên chuyện "lạm phát" cấp phó.

Sự việc bắt đầu từ ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận về ngân sách với những lo ngại ngân sách đang còng lưng cõng một phần chi không nhỏ do tăng số cán bộ cấp phó.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 18/11 vừa qua, số Thứ trưởng và Phó thủ trưởng cơ quan bộ quy định là 4 nhưng hiện đang ở mức bình quân là 5,4.

Số cán bộ cấp phó tại các cấp tổng cục, vụ, sở quy định cứng là 3 nhưng nay đều vượt khung, mức bình quân ở cấp Tổng cục là 3,69; cấp vụ là 3,04 và cấp sở là 3,06.

Một số cơ quan, tổ chức quá nhiều cấp phó mà không thực sự xuất phát từ nhu cầu, do hậu quả của sự bổ nhiệm bởi một lý do nào đó. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trao đổi với phóng viên TTXVN để làm rõ hơn vấn đề này.

- Theo Thứ trưởng, nguyên nhân của việc lạm phát cấp phó là do đâu, do nể nang mà ban phát chức vụ cho nhau, do phong trào hay thực sự vì đòi hỏi của công việc? Vì sao có tình trạng như vậy?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Một số cơ quan tổ chức cấp phó có tăng lên so với quy định, có nguyên nhân xuất phát từ yêu cầu của thực tế. Vừa qua, Bộ Nội vụ đi khảo sát và qua báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương gửi về cho thấy, số lượng cấp phó ở các đơn vị khác nhau, không đồng đều, có đơn vị có số lượng cấp phó tăng so với quy định, nhưng cũng có đơn vị không sử dụng hết mức cấp phó theo quy định do thấy không cần thiết nên không bổ sung.

Tuy nhiên, có những đơn vị do nhiều lý do khách quan hoặc điều kiện này, điều kiện khác, số lượng cấp phó có tăng lên so với quy định hiện hành.

Nghiên cứu các nguyên nhân, chúng tôi thấy rằng số lượng cấp phó tăng lên là do: thứ nhất, khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hợp nhất một số cơ quan, tổ chức, cần phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng chức danh phó đang có để đảm bảo ổn định tổ chức, ổn định đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ hai là khi tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, cấp phó có thể giúp cho cấp trưởng được, do vậy cần có những chuyên gia để quản lý, phụ trách giúp cho cấp trưởng một số lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên sâu. Đó cũng là nguyên nhân cấp phó tăng lên.

Thứ ba là trong thời điểm hiện nay, thực hiện công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, việc bổ sung cấp phó do yêu cầu của công tác cán bộ cũng là nguyên nhân. Tôi cho rằng đó là nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân khác, không thật sự xuất phát từ nhu cầu thực tế. Vì vậy, tình trạng cấp phó như vậy đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

- Như vậy, có phải vì họp hành quá nhiều nên cần nhiều cấp phó để đi họp không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc tổ chức các cuộc họp nhằm giải quyết các vấn đề đang còn có các ý kiến khác nhau hoặc nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến một số ngành, lĩnh vực. Do vậy, các cuộc họp cần những người am hiểu, có chuyên môn sâu liên quan đến chủ đề cuộc họp đặt ra, hoặc có liên quan, hoặc những người có đủ thẩm quyền để quyết đáp.

Vì vậy, tùy từng nội dung cuộc họp mà có thể lãnh đạo phải dự nhưng có cuộc họp cần những chuyên gia, chuyên viên giỏi tham dự để có thể tham mưu, thảo luận về các nội dung của cuộc họp.

Việc cử người đi họp không nhất thiết phải là các cấp phó. Vì thế, nói rằng họp hành nhiều, cấp phó tăng lên cũng không hoàn toàn chính xác. Việc bổ nhiệm các cấp phó nhằm giúp người đứng đầu phụ trách một hoặc một số lĩnh vực, không phải chỉ để đi họp. Do đó, tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này.

- Xin ông cho biết số lượng cấp phó ở Bộ Nội vụ hiện nay?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Số lượng Thứ trưởng của Bộ Nội vụ hiện là 4, đúng theo quy định của Nghị định 36/2012/NĐ-CP. Với các cấp cục, vụ, cho đến thời điểm này, nhiều đơn vị thuộc và trực thuộc chưa bổ nhiệm hết số lượng cấp phó đã được quy định.

Ví dụ, cục, vụ được ngưỡng quy định là không quá 3 cấp phó, nhưng nhiều vụ, cục ở Bộ Nội vụ hiện nay chỉ có 2 hoặc 1 cấp phó. Cục Văn thư-Lưu trữ Nhà nước hiện chỉ có 1 Phó Cục trưởng; Viện Khoa học tổ chức Nhà nước chỉ có 1 Viện phó; các vụ: Vụ Cải cách hành chính, Vụ Công tác thanh niên, Vụ Tổng hợp... chỉ có 1 Vụ phó.

- Có ý kiến cho rằng nhiều cấp phó sẽ khó quy trách nhiệm, quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi, cấp phó - trước hết phải nói là dù nhiều hay ít - khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong cơ quan tổ chức và mọi việc triển khai trong từng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính.

Tôi có nghe các ý kiến nói rằng có nhiều cấp phó, người đứng đầu sẽ không làm gì, sẽ phân hết cho cấp phó, sau này có việc gì xảy ra chỉ có cấp phó chịu. Điều đó không hoàn toàn đúng. Bởi, trong một tổ chức, việc điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo trong từng cơ quan, đơn vị đều do người đứng đầu thực hiện.

Hiệu lực, hiệu quả của mỗi cơ quan, đơn vị đạt được ở các mức độ khác nhau đều phụ thuộc vào người đứng đầu. Cấp có dù nhiều hay ít đều dưới sự chỉ đạo, phân công công việc của người đứng đầu.

Mặt khác, dù nhiều hay ít cấp phó, khi có vấn đề xảy ra, người đứng đầu là người chịu trách nhiệm chính. Cấp phó là người giúp cấp trưởng, ký thay cho cấp trưởng, cấp phó ký chính là cấp trưởng ký. Vì thế, khi có vấn đề gì xảy ra, người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm, không thể quy hoàn toàn cho cấp phó. Như thế có nghĩa là cấp phó cũng phải chịu trách nhiệm về việc giải quyết công việc của mình, bên cạnh đó, cấp trưởng cũng là người phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.

- Một con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện cả nước có đến 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước có nghĩa là có khoảng 130.000 cấp trưởng, người đứng đầu cơ quan tổ chức này và kéo theo đó, số lượng cấp phó gấp từ 2-5 lần. Cấp phó nhiều, tất yếu bội chi ngân sách tăng lên.

Đơn cử, mỗi cấp phó bình quân hằng năm Nhà nước chi khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, như vậy, mỗi năm ngân sách Nhà nước đã tốn ngót nghét 4.000 tỷ đồng và con số này sẽ tăng gấp 2-5 lần nếu số lượng cấp phó tăng lên tương ứng. Thứ trưởng bình luận thế nào về con số này?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tăng cấp phó chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí về cơ sở vật chất, về tiền bạc. Thêm một cấp phó là phải bố trí phòng làm việc, bố trí phương tiện đi lại hoặc các phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Nhưng nếu tính toán như vậy để quy ra trong tất cả các cơ quan, đơn vị trong cả nước cũng chưa hoàn toàn chính xác. Bởi vì, sự tăng cấp phó thực hiện không đồng đều trong các tổ chức, đơn vị.

Có đơn vị tăng, có đơn vị chưa sử dụng hết quy định. Hơn nữa, khi nói đến lãng phí thì lãng phí lớn nhất là việc không phân công, phân nhiệm rõ ràng, không sử dụng đúng người có năng lực, là việc tổ chức thực hiện công việc không đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức trong phục vụ nhân dân, đấy mới là cái lãng phí lớn nhất mà không thể đo lường được.

Đo lường bằng xe cộ, nhà cửa, bằng phụ cấp lãnh đạo là một phần. Vấn đề đang đặt ra là cần phải nghiên cứu xác định được một cách chính xác số lượng cấp phó cần thiết, vừa đủ để có thể cùng với người đứng đầu lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cấp trên giao.

Hiện Bộ Nội vụ đang lắng nghe các ý kiến của dư luận, nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, đảm bảo quy định số lượng cấp phó, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, từng lĩnh vực, đồng thời có giải pháp để quản lý chặt chẽ cấp phó…

- Theo ông, con số trên có thể giảm đi bao nhiêu là hợp lý? Chúng ta đang thực hiện công khai, minh bạch để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ông có thể công khai con số lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó hiện nay và số tiền chi cho đội ngũ này hàng năm?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Như tôi đã nói, lãng phí có thể đo đếm được là một chuyện, nhưng có những sự lãng phí không thể xác định được hết, đó là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Bao nhiêu phó cũng là quan trọng nhưng cái chính là hiệu lực, hiệu quả hoạt động, sự lãnh đạo, chịu trách nhiệm của người đứng đầu cũng như là phân công, phân nhiệm trong từng cơ quan, tổ chức. Đấy cũng là điều cần quan tâm.

Bên cạnh đó, cũng phải xác định số lượng cấp phó sao cho phù hợp, không nhiều nhưng cũng phải đủ để cho các cơ quan đó có thể thực hiện tốt các chức năng.

- Là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý tổ chức biên chế, công chức, viên chức, Thứ trưởng có nghĩ việc bổ nhiệm thừa cấp phó có trách nhiệm của Bộ Nội vụ?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Bộ Nội vụ cũng không lẩn tránh trách nhiệm. Dưới góc độ được giao giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ có một phần trách nhiệm đối với việc số lượng cấp phó tăng lên ở trong một số cơ quan, đơn vị mà dư luận đang nêu.

Bộ sẽ nghiên cứu để tham mưu giúp cho các cấp có thẩm quyền quy định và quản lý chặt chẽ số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức.

- Đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội đưa ra nghị quyết có tính bước ngoặt trong cải cách hành chính, đó là việc bố trí cấp phó trong các cơ quan tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước không quá 3 người. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Nghị định 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định số lượng cấp phó tại các đơn vị là không quá 3 người. Nếu cần nâng cao giá trị pháp lý về quy định cấp phó, vấn đề này có thể đưa vào trong Luật, ví dụ như quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được soạn thảo. Như vậy vừa nâng cao được giá trị pháp lý, vừa đảm bảo sự quản lý cấp phó ở các cơ quan, tổ chức mạnh mẽ và chặt chẽ hơn.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục