Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc gặp Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sảng không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc gặp.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc gặp Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên ảnh 1Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. (Nguồn: Reuters)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong ngày 20/12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã có cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tại thủ đô Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảng Sảng không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc gặp.

Ngoài cuộc gặp với ông Lạc Ngọc Thành, trong ngày 19/12, ông Biegun cũng gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy tại Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề liên quan tới Triều Tiên.

[CFR: Khủng hoảng Triều Tiên là mối quan ngại hàng đầu của Mỹ năm 2020]

Phát biểu trước báo giới, ông La Chiếu Huy cho biết đề xuất của Trung Quốc và Nga kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên là giải pháp tốt nhất để hạ nhiệt căng thẳng, cũng như hóa giải thế bế tắc hiện nay trong hồ sơ phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cũng như vì nền hòa bình và ổn định của nước này.

Ông khẳng định vẫn có thể tìm kiếm được một giải pháp chính trị cho vấn đề này bất chấp những căng thẳng gần đây.

Trước đó, ngày 16/12, Nga và Trung Quốc đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó đề xuất đưa ra khỏi danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc các dự án hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều, xuất khẩu thủy sản và dệt may của Triều Tiên, để khuyến khích đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết cũng hoan nghênh việc duy trì đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng ở mọi cấp, hướng tới thiết lập quan hệ mới giữa hai nước, xây dựng lòng tin lẫn nhau và nỗ lực chung trong việc kiến tạo một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, dự thảo kêu gọi nhanh chóng nối lại đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau đó cùng ngày đã nhóm họp để thảo luận dự thảo này.

Để được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một nghị quyết cần nhận được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống nào của các thành viên thường trực gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.