Thủ tướng Anh Sunak cam kết cắt giảm thuế sau khi thực hiện “lời hứa” lạm phát

Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói: "Lạm phát đã giảm một nửa và tốc độ tăng trưởng đang mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể bắt đầu giai đoạn tiếp theo và chuyển hướng chú ý sang việc cắt giảm thuế."
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại phiên họp Hạ viện ở Thủ đô London, ngày 22/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Chính phủ của ông sẽ chuyển sang cắt giảm thuế sau khi lạm phát đã hạ nhiệt.

Ông Sunak đưa ra phát biểu trên trước bản cập nhật ngân sách tuần này - khi Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt dự kiến công bố việc ông sẽ đẩy nhanh nền kinh tế đang trì trệ như thế nào.

"Hiện lạm phát đã giảm một nửa và tốc độ tăng trưởng đang mạnh mẽ hơn, nghĩa là doanh thu cao hơn, chúng ta có thể bắt đầu giai đoạn tiếp theo và chuyển hướng chú ý sang việc cắt giảm thuế" - ông Sunak - người dự kiến sẽ kêu gọi bầu cử vào năm 2024 - cho biết trong bài phát biểu hôm 20/11.

Dưới áp lực từ Đảng Bảo thủ có “truyền thống thuế thấp,” Thủ tướng Sunak cho biết Chính phủ cần ưu tiên giảm gánh nặng thuế nhưng nhấn mạnh rằng ông sẽ không lặp lại kế hoạch cắt giảm thuế không được tài trợ mà người tiền nhiệm Liz Truss công bố năm ngoái - kế hoạch đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu.

Thủ tướng Sunak cho biết Chính phủ sẽ cắt giảm thuế theo thời gian và sẽ không làm bất cứ điều gì khiến lạm phát tăng thêm. "Các bạn có thể tin tưởng khi tôi nói rằng chúng ta có thể bắt đầu cắt giảm thuế một cách có trách nhiệm" - ông nói.

Dữ liệu tuần trước cho thấy lạm phát đã giảm xuống còn 4,6% trong tháng 10, cho phép ông Sunak tuyên bố rằng ông đã thực hiện lời hứa với các cử tri là giảm một nửa mức tăng giá trong năm nay ngay cả khi phần lớn nguyên nhân giảm là do hiệu ứng so sánh của đợt tăng giá khí đốt hồi năm ngoái.

Các nhà lập pháp bảo thủ đã từ lâu đã kêu gọi ông Sunak cắt giảm thuế nhằm giúp thu hẹp khoảng cách với Đảng Lao động đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới.

Nhưng lời hứa của ông Sunak hôm thứ Hai có thể không đoàn kết được đảng bất đồng của ông sau khi một trong những cam kết quan trọng khác của ông - đó là giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp - gần như bị hủy bỏ bởi phán quyết của Tòa án Tối cao vào tuần trước, vốn bác bỏ thỏa thuận chuyển những người xin tị nạn đến Rwanda.

Trong bài phát biểu của mình, ông Sunak đã tìm cách phản đối kế hoạch vay thêm hàng tỷ bảng Anh mỗi năm của Đảng Lao động để tài trợ cho các khoản đầu tư “net zero” (tạm hiểu: phát thải ròng bằng 0) của Anh.

"Điều này gây ra sai lầm kinh tế tương tự như ngân sách ‘mini’ năm ngoái. Việc chi hàng chục tỷ bảng cho các khoản chi tiêu không được cấp vốn cũng nguy hiểm như việc chi hàng chục tỷ bảng cho việc cắt giảm thuế không được cấp vốn” - ông nói.

Thủ tướng Sunak từ chối bình luận về loại thuế mà Chính phủ của ông có khả năng cắt giảm.

Ông cũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung khắc phục các vấn đề được gọi là “phía nguồn cung” vốn đang đè nặng lên nền kinh tế, trong đó chủ yếu là tình trạng thiếu lao động để “lấp chỗ trống.”

"Hiện có khoảng 2 triệu người trong độ tuổi lao động không có việc làm. Đó là một ‘vụ bê bối quốc gia’” - ông Sunak nói và cho biết thêm rằng ông muốn thay đổi hệ thống phúc lợi của đất nước dành cho người lớn trong độ tuổi lao động để thu hút nhiều người trong số họ đi làm.

Người dân mua sắm tại một chợ ở London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Sunak cho biết việc xây dựng một mạng lưới năng lượng bền vững và một hệ thống giáo dục "đẳng cấp thế giới" là những yếu tố quan trọng khác trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế dài hạn của ông.

Bộ trưởng Tài chính Hunt dự kiến sẽ cập nhật ngân sách trong Tuyên bố Mùa thu, trong bài phát biểu của ông trước Quốc hội vào ngày 22/11.

Liên quan tình hình kinh tế Anh, Văn phòng Thống kê Quốc gia mới đây cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 10 của nước này đã giảm 0,3% so với tháng trước và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là doanh số bán lẻ thấp nhất tại Anh kể từ tháng 2/2021.

Mức giảm trong tháng 10 trái với dự báo tăng trưởng 0,3%, cho thấy lạm phát khiến chi tiêu hộ gia đình đang yếu đi ngay trước mùa mua sắm Giáng sinh, được coi là mùa bận rộn nhất trong năm đối với các nhà bán lẻ ở Anh.

Chuyên gia kinh tế tại công ty kiểm toán RSM UK, Thomas Pugh, nhận định doanh số bán lẻ giảm là một trong những dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế vào cuối năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục