IMF điều chỉnh dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế Anh

Giá năng lượng giảm, nhu cầu ổn định, những lo ngại về các hệ lụy của Brexit đã phần nào được xoa dịu là những lý do khiến IMF nhận định kinh tế Anh có thể tăng trưởng khoảng 0,4% trong năm 2023.
IMF điều chỉnh dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế Anh ảnh 1Một khu chợ ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dự báo mới nhất về nền kinh tế Anh mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra ngày 23/5, kinh tế nước này có thể tăng trưởng khoảng 0,4% trong năm 2023, một phần do giá năng lượng "hạ nhiệt."

Hồi tháng 4/2023, IMF dự báo nền kinh tế Anh sẽ giảm khoảng 0,3%.

Phát biểu tại một buổi họp báo ở thủ đô London, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva lý giải dự báo có sự thay đổi như vậy là do giá năng lượng giảm, nhu cầu ổn định, những lo ngại về các hệ lụy của Brexit đã phần nào được xoa dịu, trong khi ngành tài chính dần ổn định trở lại sau những bất ổn chính trị và các vụ phá sản của ngân hàng Mỹ.

Bà Georgieva cho rằng trong những tháng gần đây, Chính phủ Anh đã có những bước đi "quyết đoán và trách nhiệm," có thể kể đến như việc giám sát thỏa thuận ngân hàng HSBC mua lại chi nhánh Anh của ngân hàng SVB.

Nhận xét về cục diện kinh tế thế giới, bà nhấn mạnh "nền kinh tế toàn cầu hiện nay còn tồn tại nhiều bất ổn," đồng thời bày tỏ hy vọng giới chức Mỹ sẽ sớm thống nhất một thỏa thuận nâng mức trần nợ công và ngăn ngừa rủi ro chính phủ vỡ nợ.

[IMF: Kinh tế Anh sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay]

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho rằng những năm gần đây Anh đối diện với nhiều biến động khiến tình hình trở nên khó đoán định.

Ông đánh giá dự báo mới của IMF là sự công nhận nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Rishi Sunak trong mục tiêu kiềm chế lạm phát và phục hồi sau khủng hoảng.

Giới quan sát nhận định dự báo mới nhất của IMF sẽ giúp cải thiện sự ủng hộ đối với ông Sunak trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm sau.

IMF điều chỉnh dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế Anh ảnh 2Quang cảnh cảng hàng hóa tại Felixstowe, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, Văn phòng Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 22/5 cho biết Bộ này sẽ đưa ra những lo ngại về việc giá lương thực tăng cao và thảo luận về các cách để giảm bớt căng thẳng cho các gia đình khi gặp mặt các nhà sản xuất thực phẩm hôm 23/5.

Ông Hunt cho biết giá lương thực duy trì ở mức cao dai dẳng, do đó cần phải biết nguyên do là gì.

Cuộc gặp với các nhà sản xuất thực phẩm diễn ra vài tuần sau khi Thủ tướng Rishi Sunak tổ chức hội nghị thượng đỉnh về lương thực với sự tham dự của các hộ nông dân, nhà cung cấp, nhà bán lẻ và các cơ quan trong ngành để thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và bền vững trong ngành.

Ông Hunt cũng có kế hoạch gặp Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA), cơ quan giám sát của nhà nước khi tuần trước cơ quan này cam kết sẽ đẩy mạnh công việc điều tra giá hàng tạp hóa sau khi giá thực phẩm tăng lên mức cao nhất trong 46 năm trong tháng 3/2023.

Số liệu chính thức cho thấy giá lương thực ở Anh trong tháng 3/2023 cao hơn 19% so với tháng trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/1977, còn trong tháng 4/2023, lạm phát giá thực phẩm ở mức 17,3%.

Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng không đồng đều tới các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người dành nhiều tiền để mua lương thực và ít có khả năng trao đổi những thứ họ thường mua để lấy những thứ thay thế rẻ hơn.

Bộ Tài chính cho biết thêm chính phủ sẽ xem xét cập nhật các quy tắc định giá sau khi kết thúc đánh giá CMA.

Trong khi đó, tổ chức tư vấn độc lập Resolution Foundation dự đoán giá thực phẩm gia tăng tại Anh sẽ trở thành yếu tố chính thúc đẩy lạm phát hơn cả giá năng lượng trong mùa Hè này, trong đó các hộ gia đình nghèo sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Resolution Foundation cho biết giá các mặt hàng tạp phẩm đã tăng gần 20% trong năm qua và sẽ tiếp tục tăng hơn nữa, trong khi giá năng lượng được dự đoán sẽ bắt đầu giảm xuống trong vài tháng tới.

Số liệu chính thức dự kiến được công bố trong tuần tới được dự đoán sẽ cho thấy lạm phát tháng Tư giảm khoảng 2 điểm phần trăm từ mức 10,1% trong tháng Ba (so với cùng kỳ năm ngoái).

Lạm phát giảm xuống mức một con số sẽ giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp “thở phào” phần nào sau khi đã chịu áp lực tài chính nặng nề do giá cả tăng cao. Tuy nhiên, đà giảm được dự đoán sẽ chậm lại khi các công ty nâng giá thực phẩm.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey mới đây bày tỏ lo ngại rằng giá thực phẩm và các mặt hàng phi năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên, “gặm nhấm” thu nhập khả dụng của hàng triệu hộ gia đình.

Giá thực phẩm thường giảm xuống vào mùa Hè, khi các vụ mùa ở Anh thay thế hàng nhập khẩu đắt đỏ. Nhưng giá sản xuất của các mặt hàng sữa, thịt và các loại thực phẩm khác vẫn tăng lên, trong một số trường hợp còn tăng đến hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Resolution Foundation, giá thực phẩm được dự đoán sẽ đóng góp nhiều vào lạm phát hơn cả giá năng lượng trong những tháng tới.

Báo cáo ước tính từ tháng 3-9/2023, giá thực phẩm sẽ đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm vào lạm phát mỗi tháng, trong khi mức đóng góp của giá năng lượng sẽ giảm từ 3 điểm phần trăm xuống 1 điểm phần trăm.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đã bất ngờ tăng lên 3,9% trong ba tháng tính đến tháng Ba, từ đó có thể xoa dịu phần nào những lo ngại của BoE về áp lực lạm phát.

Ông Darren Morgan, người đứng đầu bộ phận thống kê kinh tế của Cơ quan Thống kê Anh (ONS), cho biết trong số những người quay lại làm việc hoặc tìm việc làm, nam giới nhiều hơn hẳn. Bên cạnh đó, số người không làm việc do tình trạng sức khỏe xấu kéo dài đã tăng lên mức cao kỷ lục mới.

ONS cho biết số liệu sơ bộ từ cơ quan thuế của nước này cho thấy tổng số người lao động có việc làm được trả lương trong tháng Tư đã lần đầu tiên giảm xuống trong hơn hai năm qua, với mức giảm 136.000 người so với tháng Ba. Số việc làm còn trống đã giảm lần thứ 10 liên tiếp trong ba tháng tính đến tháng Tư, xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền lương, vốn là trọng tâm trong tranh luận của BoE về việc có nâng lãi suất nữa hay không, vẫn mạnh so với các mức tiêu chuẩn từ trước đến nay.

Lương cơ bản tăng 6,7% trong ba tháng tính đến tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn mức 6,6% trong ba tháng đến tháng Hai, nhưng thấp hơn mức 6,8% mà các chuyên gia dự đoán trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi đà tăng tiền lương của người lao động ở khu vực công. Tăng trưởng tiền lương theo năm tính cả tiền thưởng vẫn ở mức 5,8% như dự đoán trong khảo sát của Reuters.

Theo ONS, nền kinh tế Anh tăng trưởng 0,1% trong quý 1/2023. GDP của Anh tăng 0,5% trong tháng Một, không thay đổi trong tháng Hai và giảm 0,3% trong tháng Ba, một phần do các cuộc đình công liên tiếp trong khu vực công.

Ông Hunt cho hay điều đáng mừng là nền kinh tế đang tăng trưởng nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đặt ra, nước Anh cần tập trung vào thuế cạnh tranh, nguồn cung lao động và năng suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.