Năm 2022, kinh tế Anh thoát được suy thoái trong gang tấc

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn cho rằng quốc gia này có thể bước vào suy thoái trong năm 2023 nhưng thời gian sẽ ngắn hơn và ít nghiêm trọng hơn so với dự báo trước đây.
Năm 2022, kinh tế Anh thoát được suy thoái trong gang tấc ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Anh đã tránh được suy thoái trong gang tấc sau khi đi ngang trong quý 4/2022, bất chấp tỷ lệ lạm phát tăng vọt.

Áp lực bủa vây

Ngay sau khi tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II kết thúc, nước Anh phải đối mặt với thực tế không mấy dễ dàng.

Lạm phát tăng cao kỷ lục lên mức 10% trong nhiều tháng, trong khi đồng bảng Anh xuống mức thấp lịch sử.

Cùng với đó, phong trào đình công tại Anh liên tục tiếp diễn từ ngành đường sắt cho đến ngành bưu điện và lan sang cả những công nhân làm việc trong các xí nghiệp. Điều này làm gián đoạn hoạt động nhiều ngành nghề.

Các cuộc biểu tình diễn ra đã thu hút đông đảo người dân để yêu cầu chính phủ tăng lương và có biện pháp đối phó với lạm phát.

[Chuyên gia cảnh báo Brexit giáng đòn tiêu cực vào kinh tế Anh]

Kinh tế phải đối mặt cùng lúc với hàng loạt cuộc khủng hoảng về kinh tế, tiền tệ, xã hội dù vẫn chưa hoàn toàn hồi phục từ cú sốc đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng kinh tế Anh luôn chịu ảnh hưởng mạnh hơn bình thường từ tình trạng giá năng lượng và lãi suất toàn cầu tăng, do nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt không thể tích trữ đủ và lãi suất thế chấp buộc phải gia hạn với các giao dịch được cố định lãi suất hàng năm luôn ở mức cao.

Ngoài ra, quy mô lực lượng lao động của Anh cũng thu hẹp ở mức độ lớn khác thường từ sau đại dịch COVID-19.

Charlie Bean, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho biết lạm phát cao ở Anh có thể sẽ dai dẳng hơn so với những nơi khác, bởi vì thị trường lao động của nước này bị "thắt chặt một cách không bền vững ngay cả khi không có cú sốc Ukraine."

Thoát được suy thoái trong gang tấc

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 10/2 ra thông báo cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh không tăng trưởng trong quý 4/2022, đúng như kỳ vọng. Trước đó trong quý 3/2022, nền kinh tế này đã suy giảm 0,3%.

Cũng theo ONS, nền kinh tế Anh đã tăng trưởng 4,1% vào năm ngoái bất chấp tình trạng lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ, sau khi tăng trưởng 7,4% vào năm 2021.

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt hoan nghênh thông tin Anh "tránh được suy thoái." Song ông cảnh báo về giá tiêu dùng cao ngất ngưởng đã gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và phong trào đình công diện rộng.

Ông Hunt nói nước Anh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, đặc biệt là khi nói đến lạm phát. Nhưng ông cũng lưu ý rằng nền kinh tế Anh có khả năng phục hồi tốt hơn so với lo ngại của nhiều người.

Vẫn còn nguy cơ phía trước

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn cho rằng quốc gia này có thể bước vào suy thoái trong năm 2023 nhưng thời gian sẽ ngắn hơn và ít nghiêm trọng hơn so với dự báo trước đây.

Các nhà kinh tế nhất trí về viễn cảnh ảm đạm của kinh tế Anh nhưng không có sự đồng thuận nào về giải pháp trong ngắn hạn của các nhà hoạch định chính sách.

BoE từng cảnh báo rằng lãi suất có thể sẽ phải tăng trở lại để kéo lạm phát trở về mục tiêu 2%, nhưng tăng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu thì vẫn chưa rõ ràng.

Richard Davies, Giám đốc của Tổ chức quan sát kinh tế và là cựu cố vấn của Bộ Tài chính, đã dự đoán rằng ngay cả khi lạm phát đã giảm, giá cả sẽ vẫn ở mức cao và các hộ gia đình sẽ chịu áp lực nặng nề.

Ông nói thêm: "Căn nguyên thực sự của sự thịnh vượng đến từ năng suất tăng liên tục. Tôi ít lạc quan hơn về vấn đề này."

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng dài hạn của kinh tế Anh khá mờ mịt, một số người được hỏi đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm."

Silvia Ardagna, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Barclays, lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp có khả năng duy trì ở mức thấp bất chấp suy thoái kinh tế, với việc các nhà tuyển dụng tích trữ lao động sau những nỗ lực tuyển dụng gần đây của họ.

Còn Bronwyn Curtis, một quan chức tại OBR, tỏ ra lạc quan rằng: "Các giải pháp thay thế khí đốt của Nga sẽ tăng tốc, trong khi áp lực tài chính có thể khiến những người nghỉ việc trên thị trường lao động quay trở lại làm việc."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.