Thủ tướng Australia Turnbull bác bỏ những lời kêu gọi từ chức

Thủ tướng Australia đã bác bỏ những lời kêu gọi ông từ chức sau khi cuộc bầu cử liên bang hồi cuối tuần qua cho thấy khó có đảng nào giành chiến thắng cách biệt để có thể thành lập chính phủ đa số.
Thủ tướng Australia Turnbull bác bỏ những lời kêu gọi từ chức ảnh 1Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Nguồn: smh.com.au)

Ngày 5/7, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bác bỏ những lời kêu gọi ông từ chức sau khi cuộc bầu cử liên bang hồi cuối tuần qua cho thấy khó có đảng nào giành chiến thắng cách biệt để có thể thành lập chính phủ đa số. 

Ba ngày sau khi kết thúc bầu cử, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập gần như chắc chắn không giành đủ 76 ghế cần thiết trong Hạ viện để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới, dẫn đến khả năng xuất hiện một “quốc hội treo” tại Australia.

Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull ngày 3/7 tuyên bố ông “hoàn toàn tự tin” vào khả năng liên đảng sẽ duy trì được chính phủ.

Trong khi đó, Công đảng đối lập thừa nhận khó có thể đạt được số phiếu cần thiết, nhưng không từ bỏ hy vọng hình thành một chính phủ thiểu số. Lãnh đạo Công đảng Bill Shorten ngày 4/7 thậm chí đã hối thúc Thủ tướng Turnbull từ chức. 

Có những thông tin cho biết Thủ tướng Turnbull đang phải đương đầu với “cuộc nổi loạn” trong nội bộ đảng Tự do bảo thủ của ông. Bộ trưởng Tư pháp Australia George Brandis đã kêu gọi các thành viên trong đảng tránh đấu đá nội bộ.

Quan chức này tuyên bố dù kết quả cuộc bầu cử mới đây thế nào, nội bộ đảng cũng đã thống nhất sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần tới vào năm 2019. Cựu Thủ tướng John Howar​d của đảng Tự do cũng kêu gọi các thành viên trong đảng cần bình tĩnh.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn lời Giám đốc Viện Nghiên cứu Australia Ben Oquist cho rằng trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, Liên đảng cầm quyền và Công đảng đối lập đã quá tự tin vào chiến thắng mà không tính đến khả năng phải thương lượng với các đảng nhỏ và ứng cử viên độc lập.

Hiện cả hai chính đảng đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ các đảng nhỏ và ứng cử viên độc lập để thành lập chính phủ thiểu số.

Tuy nhiên, theo ông Oquist, hai chính đảng cần có văn bản thỏa thuận chính thức với các đảng nhỏ và ứng viên độc lập để thành lập chính phủ thiểu số.

Chuyên gia nghiên cứu này đã đề cập trường hợp năm 2010, khi Công đảng và đảng Xanh đạt được một thỏa thuận bằng văn bản. Theo đó, để giành được sự ủng hộ của đảng Xanh và thành lập chính phủ toàn nhiệm, Chủ tịch Công đảng khi đó là bà Julia Gillard đã phải thực hiện một số cải cách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.