Thủ tướng: 'Cái khó không phải năng lực sản xuất mà là thị trường'

Thủ tướng yêu cầu các tham tán thương mại phải hành động mạnh mẽ, không ngồi chờ doanh nghiệp, cũng như phải chủ động làm việc với các đối tác để kịp thời cung cấp thông tin về thị trường nước
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tham tán thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cuộc đấu tranh phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, đi kèm với đó là đảm bảo cân bằng thương mại ở mỗi nước là những vấn đề mà Bộ Công Thương và các đồng chí tham tán cần nghiên cứu để thương mại Việt Nam, xuất khẩu Việt Nam có bước phát triển mới trong thời gian tiếp theo.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại hội nghị Tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/2, tại Hà Nội.

[Việt Nam sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường nhập siêu lớn]

Tận dụng tốt các FTA

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2017 giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 15%/ năm. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.

Nhấn mạnh ý nghĩa của các con số trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, hoạt động xuất khẩu đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế và quan trọng hơn, đã có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao như Hàn Quốc đạt mức tăng 31,1%, Nhật Bản là 14,2%, đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng tới 60,6% trong năm 2017 sau khi đã tăng 28,4% trong năm 2016.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực, trong đó có 25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

​Có được thành công trên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương là có sự đóng góp không nhỏ của các tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước, trong đó hệ thống Thương vụ đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, hướng các doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài.

"Một số thương vụ đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hình thành các Hội doanh nhân người Việt ở nước sở tại. Trong nhiều trường hợp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời giúp Bộ Công Thương đưa ra được định hướng phát triển thị trường cho mặt hàng có liên quan," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

- Biểu đồ xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực trong năm 2017:

Phải lăn lộn với thị trường

Đánh giá cao kết quả của việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2017, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thêm đến vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Thủ tướng, nhiều thị trường đã đạt được thành tích xuất khẩu nổi bật, cùng với đó các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hoa quả đã tiếp cận được với nhiều nước qua đó bảo vệ và nâng cao thương hiệu hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Dù vậy, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác hội nhập kinh tế quốc tế đặc biệt là những chuyển biến nhanh của cuộc cách mạng kinh tế số, Thủ tướng yêu cầu mỗi cá nhân và Thương vụ phải chủ động, sáng tạo để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng cho rằng, năng lực s​ản xuất trong nước là có, nhưng cái khó là thị trường. ​Nếu thị trường tốt, ch​ấp nhận nhập hàng ​Việt Nam và hai b​ên cùng có lợi thì Việt Nam có thể s​ản xuất được nhiều s​ản phẩm.

​​Do vậy, Thủ tướng đề nghị các tham tán thương mại Việt Nam cần lăn lộn hơn với địa bàn, gần gũi với doanh nghiệp và đặc biệt là phải có kiến thức chuyên sâu về luật pháp của nước sở tại qua đó có thể tham mưu cho Chính phủ và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

​Bên cạnh đó, các tham tán thương mại phải hành động mạnh mẽ, không ngồi chờ doanh nghiệp, cũng như phải chủ động làm việc với các đối tác để kịp thời cung cấp thông tin về thị trường, cũng như đẩy mạnh hoạt động Xúc tiến thương mại, hỗ trợ hàng Việt Nam phát triển vào hệ thống phân phối nước ngoài.

"Năm 2017, xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt con số 400 tỷ USD, các Bộ, ngành và địa phương cần để phấn đấu đạt con số cao hơn, tiến tới mốc 500 tỷ USD trong thời gian tới," Thủ tướng lưu ý.

​Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều tồn tại của các tham tán thương mại. Theo đó, tại một số địa bàn, thương vụ còn chưa bao quát hết được yêu cầu công việc, thậm chí là tính chủ động​ và quan hệ phối hợp có lúc chưa được thông suốt.

Không những thế, công tác tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tiếp xúc đối tác tại một số đọa bàn bị hạn chế bởi không có nhân sự sử dụng ngôn ngữ bản địa.

​Do vậy, để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đổi mới, chủ động trong công tác nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao ​của thị trường.

Bộ trưởng hứa sẽ làm triệt để "tư tưởng nhiệm kỳ" của một số tham tán thương mại, đồng thời nhấn mạnh đến việc trao đổi nhằm tìm ra các biện pháp có hiệu quả, cách làm hay ​có thể thúc đấy cho thương mại phát triển và tăng trưởng xuất khẩu.

"Năm 2018 sẽ có chương trình hành động, trong đó hướng tới sự tương tác hai chiều giữa cơ quan đại diện ngoài nước với trong nước nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ./.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Tham tán thương mại trong việc hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục