Diễn đàn “Phát triển thị trường quốc tế cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn” - một trong những hoạt động thành phần của Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đồng Tháp năm 2017 đã diễn ra chiều 18/12 tại thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đến dự và trao đổi với đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư tại diễn đàn này.
Diễn đàn nhằm quảng bá tiềm năng ngành rau, củ, quả Việt Nam, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư vào chuỗi giá trị ngành rau, củ, quả đến đối tác thương mại, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội nhận diện về xu hướng phát triển ngành rau, củ, quả và nhu cầu thị trường toàn cầu, cơ hội và những bước đi của Việt Nam để hội nhập.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, diễn đàn là dịp nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Đồng Tháp nói riêng; cùng với đó là hình thành hệ thống logistic nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản địa phương. Khẳng định Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu, Bộ trưởng cũng thông tin thêm, hiện nay giá trị xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam khả năng sẽ đạt trên 36 tỷ USD. Đó là thành quả chung rất đáng ghi nhận.
Điểm danh những mặt hàng rau, củ, quả thế mạnh của Đồng Tháp, ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ cho rằng, Đồng Tháp có thế mạnh về tài nguyên, vùng nguyên liệu. Từ xoài Cao Lãnh, quýt Lai Vung, hoa Sa Đéc,… tất cả đã tạo được một thương hiệu Đồng Tháp riêng biệt và thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt nữa là nông dân ở Đồng Tháp có tay nghề lao động cao và quản lý vùng trồng trọt cũng rất tốt, đây là nguồn lực hết sức quan trọng, để từ đó kết nối các nhà đầu tư phát triển thành chuỗi giá trị, từ khâu thu mua, chế biến nông sản, đến phát triển thị trường cho sản phẩm.
Ông Thành cũng đánh giá, Đồng Tháp xây dựng thương hiệu địa phương rất tốt. Từ bộ nhận diện thương hiệu đến giá trị cốt lõi đều được lãnh đạo tỉnh truyền đạt và thống nhất đến các sở, ngành, địa phương.
[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần ưu tiên hàng Việt Nam trong kinh doanh]
Diễn đàn đã nghe ông Richard Courey - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vision Transportation Group (Canada) chia sẻ về kinh nghiệm phát triển hệ thống logistics trên thế giới và giải pháp xây dựng hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn tại Đồng Tháp và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Richard Courey, việc chi phí giao thông và chi phí vận chuyển ở Việt Nam lên đến 25% trong khi các nước phát triển chỉ chiếm 7 - 15% là cao gấp đôi so với các nước khác.
Theo ông Richard Courey, khi phát triển hạ tầng hay phát triển giao thông là cũng thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ông Richard Courey cũng khẳng định sẽ sát cánh với Đồng Tháp để tìm ra giải pháp logistics tốt nhất cho tỉnh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017, ngành rau, củ quả Việt Nam đã xuất khẩu vượt lúa gạo và dầu khí đây là sự cố gắng lớn của người nông dân Việt Nam, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá cao tỉnh Đồng Tháp và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức diễn đàn để bàn những biện pháp tổ chức tốt hơn việc sản xuất và tiêu thụ rau củ quả của Việt Nam, Thủ tướng cũng nêu rõ những bất cập, tồn tại của ngành nông nghiệp và ngành giao thông vận tải, nhất là tại các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp.
Theo Thủ tướng, mặc dù tiềm năng của thị trường rau, củ, quả còn lớn, nhưng trong khi Việt Nam đứng ở top 50 quy mô nền kinh tế (tính theo giá trị GDP) thì giá trị rau củ quả chỉ chiếm 1% của thế giới. Cùng với đó là năng suất còn thấp; chất lượng, hiệu quả còn nhiều vấn đề đặt ra trong một số vùng, địa phương. Bên cạnh đó, sản xuất còn chưa ổn định, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá. Công nghệ sinh học, nhất là khâu giống còn nhiều vấn đề. Thất thoát sau thu hoạch còn cao, chiếm trên 30%.
Thủ tướng cũng nêu một thực tế, trong hơn 3 tỷ USD rau củ quả xuất khẩu thì giá trị chế biến mới chiếm trên 8%. Trong khi đó, chính sách thúc đẩy ngành rau, củ, quả phát triển vẫn chưa rõ nét.
Thực tế nữa là Việt Nam còn có những bất cập về hạ tầng, logistic khiến tính cạnh tranh còn thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chi phí logistic của Việt Nam thuộc nhóm đắt đỏ so với thế giới. Chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu. Điều đó làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm rau củ quả. Chỉ số năng lực logistics giảm gần 16 bậc, từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Đây là bài toán mà Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tháo gỡ.
Thủ tướng cho rằng, các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực rau củ quả chưa thực sự hấp dẫn và Chính phủ, các bộ ngành sẽ có những giải pháp cụ thể hơn sau hội nghị này. Nhấn mạnh thị trường là rất quan trọng đối với rau củ quả, Thủ tướng cho biết, nhu cầu thị trường là rất lớn, cả thị trường trong nước và nước ngoài.
“Chúng tôi, những người lãnh đạo của đất nước đi đâu cũng chứng minh bằng chất lượng, mẫu mã để đưa ra nước ngoài. Các tham tán thương mại, cùng nhà đầu tư, các nhà quản lý thị trường phải làm tốt hơn thì mới có thị trường bền vững được, vì năng lực sản xuất trong nước còn lớn. Ngoài thị trường xuất khẩu thì cần chú trọng thị trường 90 triệu dân Việt Nam,” Thủ tướng phát biểu chỉ đạo.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng nắm chắc dự báo thị trường để đến năm 2020, phấn đấu giá trị xuất khẩu rau, củ quả đạt gần 5 tỷ USD.
“Chìa khóa của sự thành công đó chính là giá thành và sản phẩm”, Thủ tướng chỉ rõ và đề nghị phải làm tốt công tác quy hoạch gắn với thị trường. Trong đó phải hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu của thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cùng với đó là quy hoạch hạ tầng để giảm các chi phí vận chuyển, bao gồm cả việc phát triển các dịch vụ logistics.
Thủ tướng nêu quan điểm không phải tập trung hết vào sản xuất lúa, dù an ninh lương thực là quan trọng. Bên cạnh đó là phải tính lại sản xuất, trong đó có rau, củ, quả, thủy sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đánh giá cao Đồng Tháp là một trong những tỉnh gương mẫu, đi đầu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phải thực hiện tốt điều này. Đi liền với đó là hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, bao gồm cả vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để giảm bớt các tầng lớp trung gian. Trong quá trình đó phải đặc biệt “coi trọng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã và tổ hợp tác”.
Tán thành với nhận định của các diễn giả về phí logistic ở Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, cần cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau củ quả nói riêng và nông nghiệp nói chung. Thủ tướng cho rằng, cần dứt bỏ “lối mòn sản xuất manh mún, tự phát, chạy theo năng suất sản lượng thấp, chất lượng kém, xuất khẩu thô, mà cần có cách làm mới bài bản hơn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có giảm chi phí vận tải, làm tốt nhất dịch vụ logistics”.
Nâng cao tính kết nối hiệu quả giữa sản xuất và thị trường, giảm các chi phí thương mại, hạ giá thành sản phẩm. “Tất cả các mệnh đề này đều gắn kết với nhau để có một sản phẩm cạnh tranh cho các nhà đầu tư, tiêu thụ. Chính vì thế, nông sản Việt Nam không những nhiều, tốt mà giá cả phù hợp với sự lựa chọn của thị trường”, Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng cũng lưu ý phải đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm mới có thể xuất khẩu vào được các thị trường khó tính. Về mô hình sản xuất rau, củ, quả, Thủ tướng nhắc lại mô hình đã đề cập tại Diễn đàn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức mới đây, đó là mô hình có các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn, “năng lực chế biến là hướng rất quan trọng”. Ngoài ra là vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, vận động nông dân và hộ gia đình với mô hình VAC cùng tham gia.
Tại Diễn đàn, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và các đối tác đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, logistics, cơ sở hạ tầng tại Đồng Tháp./.