Thủ tướng Đức: Giải quyết khủng hoảng di cư là "nhiệm vụ thế kỷ"

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định không thể có những giải pháp chóng vánh cho cuộc khủng hoảng người di cư vì đây là "nhiệm vụ thế kỷ."
Người tị nạn ở châu Âu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định không thể có những giải pháp chóng vánh cho cuộc khủng hoảng người di cư vì đây là nhiệm vụ thế kỷ.

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu khoa học Walter Eucken ở thành phố Freiburg ngày 13/1, Thủ tướng Merkel cho rằng để vượt qua cuộc khủng hoảng người di cư, châu Âu cần nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết các nguyên nhân gây ra dòng người tị nạn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo bà, để thực hiện nhiệm vụ này, cần phải "hành động" quyết liệt hơn nữa.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Đức nhấn mạnh Berlin không có khả năng sắp xếp chỗ ở cho tất cả người tị nạn tới quốc gia này, cũng như không thể tiếp nhận những người tị nạn không đủ tiêu chuẩn tới quốc gia này.

Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Đức, việc tiếp nhận người tị nạn đến từ những quốc gia xung đột vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là trách nhiệm chung của châu Âu, do vậy, từ chối tiếp nhận họ là hành động đi ngược lại những giá trị của "Lục địa già."

Ngoài ra, bà Merkel cũng tuyên bố việc áp dụng kiểm soát biên giới bên trong các nước EU không thể giải quyết được vấn đề người di cư.

Những tuyên bố trên của Thủ tướng Merkel được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm người đã thông báo bị tấn công, quấy rối tình dục và cướp bóc ở Cologne trong đêm Giao thừa, trong đó các đối tượng gây ra các vụ tấn công trên là những người tị nạn đến từ các nước Bắc Phi.

Vụ việc đã gây áp lực đối với Chính phủ của Thủ tướng Merkel về cách thức giải quyết vấn đề người tị nạn.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2015, số người di cư tới EU đã vượt mốc 1 triệu người. Riêng tại Đức, kể từ đầu năm 2015 tới hết tháng 11/2015, đã có gần 965.000 người di cư vào quốc gia này, cao hơn so với mức dự đoán 800.000 của chính phủ. Trong số này, khoảng 50% người đến từ Syria, tiếp đó là Afganistan và Iraq.

Riêng tháng 11/2015, cả nước Đức đã tiếp nhận đơn đăng ký tị nạn của khoảng 206.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục