Thủ tướng giải đáp kiến nghị về quy hoạch, phát triển báo chí

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong các thành tựu phát triển của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh kỷ niệm với đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chiều 19/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi những lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo lão thành; lãnh đạo các cơ quan báo chí; những người làm báo cả nước; các cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn phấn khởi, tự hào về báo chí cách mạng Việt Nam. Trong 90 năm qua, đất Việt Nam trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam luôn trung thành với sự nghiệp các mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử; luôn nỗ lực, lao động miệt mài, cần mẫn, năng động, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu không ngừng và hoàn thành suất sắc chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin yêu giao phó cho báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí đã thực sự đóng góp quan trọng, to lớn vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ các thế hệ làm báo đi trước đã cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp báo chí, một nghề nghiệp hết sức cao quý, có vai trò và vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước; nhiều nhà báo đã không tiếc mồ hôi, nước mắt, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam .

Cho biết những nét chính về tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh, vai trò của báo chí đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước trong những năm qua - quãng thời gian có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khó khăn, báo chí đã góp phần rất lớn và tạo đồng thuận xã hội về chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ qua đó phản ánh kịp thời những ý kiến sôi động từ thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, giải pháp.

Cũng thời gian qua, báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ nay tới cuối năm, Bộ chính trị đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ lớn:

Thứ nhất, đó là các cấp, các ngành phải phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2015, từ đó góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (2011-2015), gắn với đó là cải thiện một cách thiết thực đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không ngừng củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ ba là phải tiến hành tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.

Từ 3 nhóm nhiệm vụ như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan báo chí hết sức quan tâm trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương; đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thực hiện các nhóm nhiệm vụ đã được xác định nêu trên.

Liên quan đến vấn đề phát triển báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng, Nhà nước nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của báo chí, nhận thức rõ về chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam và sẽ làm hết sức mình để làm sao báo chí cách mạng phát huy tốt đa vai trò, làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp ngày càng to lớn vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, không ngừng lớn mạnh.

Để thực hiện được yêu cầu nêu trên, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để báo chí vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, trong bối cảnh mới cũng đặt ra các yêu cầu mới đối với các cơ quan báo chí.

Cụ thể, trong bối cảnh của điều kiện kinh tế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt, trong điều kiện nhà nước không thể bao cấp, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như vũ bão..., báo chí cách mạng phải hết sức năng động, sáng tạo trong hoạt động; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, tìm câu trả lời từ thực tiễn hoạt động để làm sao phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm sự lãnh đạo của của Đảng đối với báo chí cũng như bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận của người dân, đồng thời phải tiếp tục phát triển và lớn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn lãnh đạo các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy những kết quả đạt được, tìn ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để ra sức khắc phục, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Thủ tướng mong muốn các nhà báo, phóng viên, những người làm báo hết sức đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với xã hội, đối với đất nước; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chú ý lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến phát biểu của các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo; đồng thời đã trao đổi, trả lời, giải đáp các kiến nghị, những vấn đề mà các nhà báo quan tâm đến công tác xây dựng, đào tạo, quản lý, quy hoạch và phát triển báo chí; việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận.

Cụ thể, về vấn đề quy hoạch báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quy hoạch báo chí là để báo chí cách mạng Việt Nam làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; phát triển nhanh và vững chắc.

Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm Đề án quy hoạch và lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương,… sau đó đã mấy lần trình lên Bộ Chính trị, sau đó mới trình Trung ương. Trung ương đã kết luận cơ bản đồng tình với Đề án và giao Chính phủ triển khai phê duyệt quy hoạch.

Về triển khai quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là một lĩnh vực hết sức phong phú, vì vậy sẽ làm một cách hết sức vững chắc, hết sức dân chủ.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Năm vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Đề án đã trình Bộ Chính trị, trình Trung ương làm việc với từng cơ quan, để có kết quả cụ thể về việc các cơ quan đó đề xuất, sắp xếp như thế nào, lộ trình ra sao để từ đó tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt khi có sự đồng thuận cao, vừa làm vừa điều chỉnh và rút kinh nghiệm theo tinh thần là chấp hành tốt chủ trương của Trung ương.

Về sửa đổi Luật Báo chí, Thủ tướng nêu rõ, mục đích sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển tốt hơn, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; tạo điều kiện để báo chí hoạt động thuận lợi hơn; đảm bảo tốt sự quản lý của nhà nước đối với báo chí cũng như đảm bảo cho báo chí tiếp tục phát triển, lớn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, những người làm báo từ hoạt động thực tiễn có những ý kiến đóng góp sát đáng vào dự án Luật Báo chí sửa đổi.

Cũng như tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ hàng tháng và ở tại nhiều Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động cung cấp thông tin khách quan, nhanh chóng, chính xác, kịp thời cho báo chí, dư luận về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, ở Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ luôn trong tâm thế chủ động động cung cấp thông tin cho báo chí qua họp báo, qua các thông cáo báo chí, qua các thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ không chỉ trong ngày mà trong từng sự kiện cụ thể, trừ những nội dung cơ mật. Tất cả những nội dung thông tin này đều có trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục