Thủ tướng Iraq tuyên bố không cho phép lập một "chính phủ sắc tộc"

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố Baghdad sẽ không cho phép lập một "chính phủ sắc tộc" trong một quốc gia Arab, trong bối cảnh khu vực người Kurd tại Iraq muốn trưng cầu ý dân đòi độc lập.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. (Nguồn: Iraqi News)

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông đưa tin, ngày 24/9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố Baghdad sẽ không cho phép thành lập một "chính phủ sắc tộc" trong một quốc gia Arab.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh khu vực người Kurd tại Iraq đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân về độc lập gây tranh cãi, dự kiến diễn ra ngày 25/9.

  

[Tập trận ở biên giới, Iran phong tỏa đường bay tới khu vực người Kurd]

Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước, một ngày trước khi Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) do ông Massoud Barzani đứng đầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq, Thủ tướng Abadi tuyên bố các nhà lãnh đạo Iraq sẽ không để quốc gia Arab này quay trở lại "thời kỳ đen tối" trong quá khứ, đồng thời cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự thống nhất của Iraq.

Ông Abadi nhấn mạnh: "Quyết định đơn phương tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của KRG, nhân tố có thể ảnh hưởng đến sự thống nhất của Iraq cũng như an ninh quốc gia và khu vực, là vi phạm hiến pháp và chống lại hòa bình. Chúng tôi sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự thống nhất của đất nước."

Người đứng đầu Chính phủ Iraq cũng khẳng định Baghdad sẽ không "bỏ mặc" các công dân người Kurd, nhấn mạnh rằng Iraq sẽ vẫn là đất nước của tất cả người dân Iraq.

[Hội đồng Bảo an phản đối trưng cầu đòi độc lập của người Kurd tại Iraq]

Cùng ngày, chính phủ Iraq kêu gọi khu vực người Kurd chuyển giao quyền kiểm soát các các sân bay và cửa khẩu quốc tế, nhằm trả đũa cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, dự kiến diễn ra ngày 25/9.

Theo tuyên bố của chính phủ Iraq, Baghdad cũng đề nghị các nước trên thế giới ngừng giao dịch dầu mỏ với khu vực người Kurd và chỉ làm việc với chính phủ Iraq liên quan đến các vấn đề dầu mỏ, biên giới và sân bay.

Với dầu thô là nguồn thu chủ yếu, khu vực người Kurd hiện xuất khẩu trung bình 600.000 thùng dầu/ngày thông qua một đường ống chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ tới cảng Ceyhan trên Địa Trung Hải, trong đó khoảng 250.000 thùng/ngày được khai thác từ các mỏ dầu ở tỉnh Kirkuk, nơi mà chính quyền Baghdad và khu khu tự trị người Kurd tranh chấp về quyền sở hữu.

Cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd tại Iraq, dự kiến được tổ chức vào ngày 25/9, đã làm dấy lên những quan ngại về làn sóng xung đột mới tại Trung Đông, vốn đang phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng trong nhiều năm qua cũng như mối đe dọa nghiêm trọng từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia trong khu vực đã đồng loạt phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu dân ý, cho rằng việc chia cắt đất nước Iraq thông qua trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực người Kurd có thể gây ra một làn sóng bạo lực mới ở khắp khu vực.

Trước đó ngày 24/9, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Erbil, thủ phủ của khu vực người Kurd, người đứng đầu Chính quyền khu tự trị người Kurd, ông Massoud Barzani nói rằng quan hệ đối tác giữa người Kurd và chính quyền trung ương ở Baghdad đã hết, đồng thời kêu gọi tất cả người Kurd đi đến các điểm bỏ phiếu trong ngày 25/9. Lãnh đạo khu vực người Kurd nói thêm trưng cầu dân ý chỉ là giai đoạn đầu trong nỗ lực của người Kurd nhằm bày tỏ ý kiến vì đây là một quá trình lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục