Sau lễ khai mạc, tại các chuỗi chuyên đề của Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) diễn ra sáng 13/7 tại Hà Nội, các diễn giả đã tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Các diễn giả đề cập đến một số xu hướng nổi bật về công nghiệp 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia
Theo đánh giá của các diễn giả, Việt Nam đang ở mức trung bình của thế giới về sự sẵn sàng với cuộc cách mạng 4.0. Các khuyến nghị được đưa ra là Việt Nam cần ưu tiên giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo kỹ năng kỹ thuật, đồng thời cần có chính sách mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực.
Cuối buổi sáng, Diễn đàn Cấp cao với chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" tiếp tục diễn ra ở phần đối thoại chính sách - nội dung quan trọng nhất của sự kiện này.
Trao đổi với các diễn giả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 mang tới cả thời cơ và thách thức, là bình đẳng với mọi người và mọi quốc gia. Tuy nhiên, với các quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam thì dù bình đẳng về cơ hội thì cũng rất dễ bị bỏ lại phía sau nếu không nắm bắt thật nhanh những bước tiến mới của khoa học công nghệ.
“Việc này phải thực hiện ở các cấp, chứ không chỉ ở riêng Bộ Khoa học và Công nghệ hay ngành công nghệ,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, một trong những việc phải làm đầu tiên là phải đổi mới cho bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia, mà trước đây vốn là các chủ thể như Chính phủ, viện nghiên cứu, các trường đại học theo hướng các doanh nghiệp phải là trung tâm.
Sau khi lắng nghe các câu hỏi và phần giải đáp của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ các bộ ngành với các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp, phát biểu trong đối thoại tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã ở rất gần với Việt Nam.
[Video] Robot Sophia biểu cảm, trả lời câu hỏi khó của phóng viên Việt
Đánh giá cao kết quả của Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng qua Diễn dàn, đã làm rõ nhận thức về bước đi, cách làm và đặt ra yêu cầu thay đổi phương thức dịch vụ nền kinh tế số và yêu cầu thay đổi giải pháp công nghệ thay vì áp dụng công nghệ truyền thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã chủ động nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới của thế giới như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, robot... nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới sức sáng tạo. Tuy nhiên, việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn chậm và chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới này.
Nhiệm vụ trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế
Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể.
Bên cạnh sự nỗ lực, phát huy sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các bộ ngành cần có những hành động thiết thực, cụ thể bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Chỉ ra những giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo... Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới. Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thực hiện tốt chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tiếp cận công nghiệp 4.0. Chủ động nghiên cứu, cập nhật các xu hướng phát triển và kinh nghiệm của thế giới, trong đó quan tâm việc xử lý các tác động không mong muốn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, thất nghiệp và biến đổi xã hội. Tăng cường kết nối thông tin khoa học công nghệ, cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước. Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác sâu rộng với các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia trong việc trao đổi, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm thực tiễn về cách mạng công nghiệp lần thứ tư để lựa chọn và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0
Đặt vấn đề khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 với tầm nhìn chiến lược nhưng phải hành động khẩn trương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035; từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động trong đó xác định rõ mục tiêu ưu tiên, các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp.
Đi liền với đó, Thủ tướng cũng đề nghị phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như xây dựng những kịch bản nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này; tăng cường quản lý rủi ro từ những hệ quả, nhất là các vấn đề về việc làm và quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp...
Tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Liên hiệp quốc, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (WB)... đã sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
“Chúng tôi cũng ủng hộ và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia tại Diễn đàn như liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, câu trả lời ngắn gọn là không bởi công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó.
“Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0,” Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương sẽ cùng nhau phối hợp, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0 - một nghị quyết quan trọng, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia; trong đó chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam./.