Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến tham dự ASEM 10

Sáng 16/10 (giờ Việt Nam), Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Milan, Italy, bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần 10.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 16/10 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Milan, Italy, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 10.

Trước đó, tại thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi những vấn đề thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Đức trong tổng thể quan hệ Á-Âu ở Viện Koerber.

[Bài phát biểu cúa Thủ tướng tại Viện Koerber]

Trước các chính khách, các nhà nghiên cứu hàng đầu của Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Song thế giới vẫn đứng trước nhiều mối lo ngại, thách thức cùng với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và rất khó lường. Các nguy cơ từ xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, cũng như những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước... ngày càng nổi lên gay gắt.

Theo Thủ tướng, trong những năm gần đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nổi lên là động lực tăng trưởng và liên kết của kinh tế thế giới, đưa khu vực này trở thành một trung tâm quyền lực mới, một trung tâm kinh tế lớn chiếm gần 55% GDP toàn cầu và có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành trật tự thế giới trong tương lai.

Tuy nhiên, khu vực này đang còn tồn tại nhiều vấn đề; nổi lên là diễn biến phức tạp của các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông... và đáng lo ngại là sự thiếu hụt lòng tin-nhân tố chủ yếu khiến cho hòa bình, ổn định ở đây chưa thực sự bền vững.

Nếu môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của châu Á-Thái Bình Dương bị xấu đi thì sẽ gây tác động rất tiêu cực và hệ lụy khôn lường đối với cả khu vực và toàn thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, những nguy cơ, thách thức trên đây đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác và nỗ lực rất cao của mỗi quốc gia, cả khu vực và toàn thế giới. Để duy trì hòa bình, ổn định một cách bền vững ở khu vực, cần có thiện chí và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các nước.

Mỗi quốc gia, dù lớn, hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để các quốc gia tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Các nước cần đề cao hơn nữa vai trò của các thể chế đa phương và cùng chung tay góp sức xây dựng một cấu trúc và thể chế của khu vực ổn định và bền vững; vừa làm cơ sở và động lực chính cho sự hợp tác, vừa có khả năng ứng phó hiệu quả với các nguy cơ thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của cả khu vực. Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề, các thách thức chung của khu vực và thế giới.”

Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển. Không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược, một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và thế giới.

Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho hay, một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu - mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa châu Âu và Đông Á.

Những bất ổn, căng thẳng vừa qua đã cho thấy rõ lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Với truyền thống hòa hiếu và chính sách đối ngoại nhất quán của mình, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.

Bên cạnh vấn đề lớn nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, trải qua những thăng trầm trong cục diện kinh tế-chính trị ở châu Âu và thế giới, nước Đức khẳng định vị thế ngày càng cao ở cả tầm châu lục và toàn cầu. Đức không chỉ chứng tỏ là nền kinh tế đầu tàu chủ lực kéo kinh tế châu Âu ra khỏi khủng hoảng và suy thoái, mà còn có vai trò, tiếng nói rất quan trọng trong các vấn đề trọng đại về chính trị, an ninh, gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Âu và thế giới. Việt Nam ủng hộ một nước Đức mạnh và có vai trò tích cực, trách nhiệm cao trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển của thế giới.

Việt Nam và Đức tuy xa cách về địa lý, có lịch sử và đặc điểm kinh tế-xã hội khác nhau, nhưng nhân dân hai nước đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn để ngày hôm nay được sống trong hòa bình, phát triển và có quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Quan hệ hai nước đã có những bước tiến vững chắc và đang phát triển rất thuận lợi, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011.

Nhấn mạnh năm 2015, cùng với sự kiện 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức, cũng là năm Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đánh dấu 20 năm ký Hiệp định khung hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy trong từng bước phát triển của quan hệ Việt Nam-EU có dấu ấn đóng góp hết sức quan trọng của quan hệ Việt Nam-Đức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 sắp khai mạc tại Milan, Italy sẽ thảo luận nhiều vấn đề hợp tác chiến lược giữa hai châu lục và toàn cầu. Trong tiến trình này, hợp tác ASEAN-EU là hạt nhân và là động lực của hợp tác giữa hai châu lục.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam - với tư cách thành viên tích cực của ASEAN và Đức - với tư cách là thành viên trụ cột của EU, cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng góp phần tạo xung lực cho hợp tác ASEAN-EU và quan hệ giữa hai lục địa Á-Âu phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở cả hai châu lục.”

Trước đó, tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Đức là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại EU với kim ngạch thương mại tăng trưởng ấn tượng, đạt trên 10%/năm, khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hai bên cần phát huy các kết quả đã đạt được và tận dụng các thế mạnh của nhau để thúc đẩy tăng trưởng thương mại-đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel hoan nghênh Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam và chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Đức khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APK) 14 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 tới và tin tưởng đây là cơ hội mang lại xung lực mới cho giao thương và đầu tư giữa hai nước và hai khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục