Thủ tướng Nhật Bản kiểm tra công tác kiểm dịch tại sân bay Haneda

Ngày 28/6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đi kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo.
Biểu tượng Olympic Tokyo được treo tại một khu mua sắm ở thủ đô Tokyo. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 28/6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đi kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo.

Tại sân bay, Thủ tướng Suga đã kiểm tra điểm tiêm chủng dành cho các nhân viên của hãng hàng không All Nippon Airways (ANA). Sau đó, ông đã thử nghiệm hệ thống check-in không chạm mà hãng hàng không Japan Airlines sử dụng để phòng ngừa dịch bệnh.

Cuối cùng, ông đã thị sát hoạt động kiểm tra kháng nguyên tại một điểm kiểm dịch ở sân bay và được thông báo tóm tắt về các biện pháp phòng dịch ở đây.

Phát biểu với các phóng viên sau chuyến đi thị sát, Thủ tướng Suga cho biết ông đã chỉ thị triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh nhiều vận động viên và quan chức các nước sắp tới Nhật Bản để tham dự Olympic.

[Báo Nhật Bản: Đệ nhất phu nhân Mỹ có thể dự khai mạc Olympic Tokyo]

Theo Thủ tướng Suga, các vận động viên sẽ được xét nghiệm 2 lần trước khi khởi hành sang Nhật Bản và xét nghiệm hàng ngày sau khi nhập cảnh vào nước này.

Lệnh cấm đi ra ngoài và các quy định nghiêm ngặt khác sẽ được áp dụng đối với các quan chức nhằm hạn chế sự tiếp xúc với những người khác.

Khẳng định số lượng ca nhiễm mới trên toàn Nhật Bản đang có xu hướng giảm ngoại trừ Tokyo và các khu vực lân cận, Thủ tướng Suga cam kết sẽ hành động nhanh chóng và linh hoạt nếu cần thông qua việc theo dõi sát tình hình dịch bệnh.

Để ngỏ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo

Trước đó, ngày 27/6, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, tuyên bố không loại trừ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và những khu vực có số ca nhiễm mới đang tăng trở lại. 

Phát biểu trong một chương trình truyền hình, ông Nishimura nói: “Nếu cần, chúng tôi sẽ không ngần ngại ban bố tình trạng khẩn cấp và sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp một cách linh hoạt ở các khu vực đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.”

Riêng đối với thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Nishimura cho biết xu hướng tăng của số ca nhiễm mới đã trở nên rõ ràng hơn và chính quyền trung ương đang hợp tác với các chuyên gia và chính quyền thủ đô Tokyo để phân tích các diễn biến về tình hình dịch bệnh với sự cảnh giác cao.

Hiện nay, thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác vẫn đang nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Quan chức Nhật Bản kêu gọi siết chặt kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Yasuhiro Yamashita kêu gọi siết chặt kiểm soát để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vì trong số các vận động viên đến Nhật Bản tham dự sự kiện này tới đây có thể sẽ có trường hợp mắc COVID-19.

Phát biểu tại họp báo ngày 28/6, ông Yamashita nhấn mạnh việc áp đặt những hạn chế, như các đoàn vận động viên từ các nước như Ấn Độ phải cách ly bắt buộc, là điều cần thiết.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản vừa phát hiện 2 trong số 9 thành viên của đoàn thể thao Uganda dự Olympic Tokyo 2020 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Giới chức y tế sau đó đã xác định toàn bộ các thành viên đoàn cùng 8 người khác, trong đó có nhân viên đón tiếp tại địa phương và lái xe, đều có tiếp xúc gần với hai trường hợp nhiễm COVID-19.

Olympic Tokyo 2020 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23/7-8/8 tới, trong khi Paralympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 24/8-5/9. Theo ban tổ chức, sẽ có khoảng 15.000 vận động viên và khoảng 78.000 quan chức, nhân viên của các đoàn thể thao từ khắp nơi trên thế giới tham gia các sự kiện thể thao này.

Kết quả thăm dò dư luận cuối tuần lễ kết thúc vào ngày 20/6 của hãng tin Kyodo cho thấy có 40,3% người Nhật Bản tin rằng nên tổ chức các thế vận hội mà không có khán giả, trong khi 30,8% cho rằng cần hủy bỏ các sự kiện thể thao này.

Khi được hỏi về số phận của Olympic và Paralympic nếu tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 được ban bố trở lại ở thủ đô Tokyo và các địa phương khác sau khi các sự kiện này đã được khai mạc, 55,7% số người Nhật Bản được hỏi cho rằng nên tiếp tục giải đấu, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như cấm khán giả vào sân, trong khi 35,4% nói rằng cần hủy bỏ giải đấu tại thời điểm đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục