Thủ tướng Nhật Bản muốn đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên

Ngày 28/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố muốn đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để tìm cách tháo gỡ vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên giam giữ.
Thủ tướng Nhật Bản muốn đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu với báo giới tại Tokyo ngày 25/2/2019. (Nguồn: Kyodo/ TTXVN)

Ngày 28/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố muốn đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un để tìm cách tháo gỡ vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên giam giữ.

Phát biểu sau khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Abe nói rằng ông đã được Tổng thống Trump thông báo kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.

Thủ tướng Abe cho biết Tổng thống Trump cũng đã hai lần đề cập tới vấn đề công dân Nhật Bản bị giam giữ tại các buổi gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó Tổng thống Trump đã truyền tải thông điệp rằng Tokyo rất coi trọng giải quyết vấn đề này đến với Bình Nhưỡng.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản khẳng định quyết tâm tìm kiếm đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong thời gian tới đây.

[Tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc]

Nhận định về kết quả hội nghị, Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump rằng cần phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không nhượng bộ dễ dàng, đồng thời tiếp tục các cuộc thảo luận mang tính xây dựng để thúc đẩy Triều Tiên có các hành động cụ thể. Do đó, trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giải quyết tổng thể các vấn đề hạt nhân, tên lửa và công dân bị bắt cóc.

Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, Chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã thông qua nhiều kênh đối thoại để xác lập quan điểm chung rằng tiến trình phi hạt nhân hóa phải bao gồm việc phá hủy toàn bộ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Do vậy, Tokyo đánh giá cao quyết định của Tổng thống Trump, cho rằng điều này thể hiện rõ thông điệp rằng nếu Triều Tiên không thực hiện phi hạt nhân thì nước này sẽ không được nới lỏng cấm vận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.