Thủ tướng Pakistan muốn làm trung gian đối thoại Taliban-Afghanistan

Khẳng định luôn duy trì quan điểm phản đối giải pháp quân sự trong cuộc chiến tại Afghanistan, Thủ tướng Imran Khan tin rằng quan điểm này giúp ông "ở chừng mực nào đó có tiếng nói" với Taliban.
Thủ tướng Pakistan muốn làm trung gian đối thoại Taliban-Afghanistan ảnh 1Thủ tướng Pakistan Imran Khan phát biểu tại Washington trong chuyến thăm Mỹ ngày 23/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/7, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố sẽ gặp các đại của Taliban để thuyết phục tổ chức này đối thoại với chính phủ Afghanistan trong bối cảnh Mỹ cũng đang tìm cách chấm dứt tham chiến tại quốc gia này sau gần 18 năm.

Phát biểu khi xuất hiện tại Viện Hòa bình Mỹ ở thủ đô Washington, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ, Thủ tướng Pakistan cho biết đã trao đổi với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và khi từ Mỹ trở về ông sẽ gặp các đại diện Taliban và nỗ lực hết sức để thuyết phục tổ chức này đối thoại với chính phủ Afghanistan.

Ông Imran Khan cũng cho biết một phái đoàn của Taliban đã đề nghị gặp ông vài tháng trước những không được chấp thuận vì sự phản đối từ phía chính phủ Afghanistan.

Khẳng định luôn duy trì quan điểm phản đối giải pháp quân sự trong cuộc chiến tại Afghanistan, Thủ tướng Imran Khan tin rằng quan điểm này giúp ông "ở chừng mực nào đó có tiếng nói" với Taliban.

[Bốn nước nhóm họp tìm cách nối hòa đàm với Taliban ở Afghanistan]

Trước đó, hôm 22/7, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Mỹ 3 ngày.

Phát biểu trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đánh giá cao vai trò của Pakistan giúp thúc đẩy đàm phán hòa bình ở Afghanistan cũng như làm trung gian cho một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết tùy vào kết quả cuộc gặp với Thủ tướng Imran Khan, Mỹ có thể sẽ khôi phục gói viện trợ trị giá 1,3 tỷ USD cho Pakistan mà ông tuyên bố cắt giảm năm ngoái.

Hiện Mỹ và Taliban đang tiến gần hơn tới thỏa thuận với nội dung trọng tâm là cam kết của Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đổi lại Taliban cam kết sẽ không để quốc gia này trở thành căn cứ của khủng bố.

Tuy nhiên, cho tới nay, Taliban vẫn luôn từ chối đàm phán trực tiếp với Chính phủ Afghanistan. Vai trò của Pakistan trong đàm phán hòa bình Afghanistan cũng được đánh giá là "nhạy cảm."

Afghanistan cáo buộc Pakistan ủng hộ Taliban trong khi Pakistan luôn phủ nhận và cho rằng quốc gia này cũng chịu tổn thất nặng nề từ cuộc nội chiến tại Afghanistan. Mỹ cũng từng gây sức ép để Islamabad nỗ lực hơn nhằm kiểm soát các nhóm phiến quân đóng trên lãnh thổ quốc gia này.

Trong diễn biến liên quan, ngày 23/7, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã yêu cầu Mỹ làm rõ những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Trump rằng Mỹ có thể kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan "trong 10 ngày" và Afghanistan có thể bị "xóa sổ" nhưng ông không muốn thực hiện lộ trình này vì “không muốn giết hại 10 triệu người."

Những bình luận này ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Afghanistan. Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Afghanistan nêu rõ quốc gia này yêu cầu phía Mỹ lý giải những phát biểu của Tổng thống Trump với Thủ tướng Pakistan thông qua các phương thức và kênh ngoại giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.