Thủ tướng: Phải có những cơ chế, giải pháp thúc đẩy kinh tế

Thủ tướng đặt vấn đề các cấp, ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của vốn kế hoạch năm 2019 và năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD.

Chiều 8/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sẽ được tổ chức ngày 10/4 tới nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết an sinh xã hội, tăng cường an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các nội dung báo cáo tại Hội nghị sắp tới phải nêu rõ được tình hình các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái - cuộc suy thoái được đánh giá còn nặng nề hơn cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong bối cảnh đó, ở trong nước, dù đà phát triển của năm 2019 rất tốt nhưng mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua.

Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngành hoạt động cầm chừng và nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển hiện nay.

Cụ thể, phải "thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống" và "khởi động một thời kỳ khắc phục vươn lên mạnh mẽ," Thủ tướng nói. Bởi Việt Nam là "một quốc gia an toàn, đầu tư thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài."

Đặc biệt, đối với lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ, phải có chế tài mạnh để giải ngân cho hết gần 30 tỷ USD.

[Chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sau đại dịch]

Cụ thể, Thủ tướng đặt vấn đề các cấp, ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của vốn kế hoạch năm 2019 và năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các bộ, ngành các cơ quan Trung ương.

Thủ tướng nêu quan điểm chế tài, cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào làm chậm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm. Trường hợp nếu không hoàn thành, hoặc đến tháng Chín tới không giải ngân được, sẽ điều chuyển vốn sang đơn vị khác.

Thủ tướng đề nghị tại hội nghị tới, Bộ Tài chính cần nêu các giải pháp cấp bách về ngân sách Nhà nước, nhất là các giải pháp thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân và doanh nghiệp.

Trước tình hình giảm nguồn thu ngân sách, Bộ cần tập trung giải pháp tiết kiệm chi để cân đối, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 và an sinh xã hội.

Về lĩnh vực tiền tệ, Thủ tướng đưa ra yêu cầu không để doanh nghiệp thiếu vốn, không bắt doanh nghiệp trả nợ trong lúc khó khăn; tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng trong tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cần tính toán giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay cũ và mới; cân nhắc mức lợi nhuận trong năm nay ở mức hợp lý, thực hiện tinh thần ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Đi liền với đó là điều hành linh hoạt tỷ giá, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương đưa ra giải pháp tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu, nỗ lực triển khai các hiệp định thương mại tự do đã ký, sẵn sàng cung ứng nguồn hàng với giá cả phù hợp phục vụ nhân dân; tập trung giải ngân vốn các dự án đầu tư trọng điểm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhắc đến tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần xây dựng báo cáo với các biện pháp chốt diện tích trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong bối cảnh thế giới khó khăn hiện nay.

Nhắc tới việc giá thịt lợn còn cao so với giá thành sản xuất, Thủ tướng yêu cầu "đấu tranh một cách nghiêm khắc" thông qua việc áp dụng Pháp lệnh về giá để xử lý tốt các khâu trung gian và các lò mổ; đẩy mạnh sản xuất, quản lý tốt thị trường.

Đối với vấn đề đảm bảo an ninh trật tự trước bối cảnh lao động thất nghiệp từ đô thị trở về nông thôn dẫn đến phát sinh các vấn đề xã hội khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần nêu các giải pháp phù hợp, xử lý nghiêm các hành vi chống phá của các thế lực thù địch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi trình bày tại hội nghị phải nêu những giải pháp thực hiện hiệu quả gói an sinh xã hội, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Nêu tinh thần chung của các giải pháp sẽ được đưa ra tại hội nghị sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến cơ chế, biện pháp thúc đẩy ngành, lĩnh vực phục hồi sau dịch.

Các địa phương phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra, nhất là các trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Cùng với đó là thúc đẩy các thành phần kinh tế năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục