Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công tôn tạo Khu đề kháng Him Lam

Chiều 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công tôn tạo Khu đề kháng Him Lam và lễ đặt tên các đường phố thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khởi công, công trình bảo tồn, tôn tạo Di tích Đề kháng Him Lam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính khởi công, công trình bảo tồn, tôn tạo Di tích Đề kháng Him Lam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình công tác tại tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiều 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công tôn tạo Khu đề kháng Him Lam và lễ đặt tên các đường phố thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên.

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là một trong mười Di tích Quốc gia Đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước. Hiện nay di tích có tổng số 45 điểm di tích thành phần, là nơi ghi dấu sự kiện chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Trung tâm đề kháng Him Lam thuộc phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cách Sở chỉ huy của tướng De Castries 2,5km về phía Đông Bắc và được mệnh danh là “cánh cửa thép” của tập đoàn cứ điểm. Trung tâm đề kháng Him Lam được xây thành 3 cứ điểm trên 3 quả đồi tạo thành thế chân kiềng.

Trong mỗi cứ điểm đều có hệ thống hầm cố thủ, giao thông hào, lô cốt, trận địa chiến đấu được xây dựng kiên cố cùng với tầng tầng lớp lớp hàng rào dây thép gai từ bùng nhùng, mái nhà, lò xo đến cũi lợn…

Để giành thắng lợi trận mở màn Him Lam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đất đồi Him Lam đã thấm đẫm máu người anh hùng Phan Đình Giót và rất nhiều đồng đội của anh đã hiên ngang ngã xuống.

Việc bảo tồn, tôn tạo di tích Khu đề kháng Him Lam góp phần gìn giữ giá trị nguyên trạng của khu di tích; là hành động tri ân với các chiến sỹ và liệt sỹ đã ngã xuống để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ khi đến Điện Biên; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, du lịch... cho đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Tham gia thực hiện nghi thức khởi công tôn tạo Khu đề kháng Him Lam và tặng quà các đơn vị tham gia dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị thi công các hạng mục đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, đặc biệt thể hiện được tính chất, tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện, địa danh lịch sử này, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, nghệ thuật quân sự tài tình, tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh giữ nước và sự hy sinh gian khổ của ông cha ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

TTXVN_1704Thutuong24.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn biển đường mang tên Phạm Văn Đồng tại thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối của 6 tuyến đường và đặt tên cho 39 tuyến đường.

Trong số đó có 1 tuyến đường đặt tên theo danh từ địa phương là địa danh tiêu biểu của đất nước; 10 tuyến đường mang tên các danh nhân văn hóa, lịch sử, trí thức, nhạc sỹ, thi sỹ trong lịch sử Việt Nam; 2 tuyến đường mang tên các địa danh lịch sử cách mạng, kháng chiến của tỉnh; 1 tuyến đường mang tên các sự kiện tiêu biểu có ý nghĩa ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Điện Biên; 1 tuyến đường mang tên cán bộ tiền khởi nghĩa của Điện Biên; 24 tuyến đường mang tên các Anh hùng được phong tặng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức đặt tên đường ở phường Mường Thanh mang tên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng và đường ở phường Noong Bua mang tên Liệt sỹ, Chiến sỹ Điện Biên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Bảo.

Việc đặt tên đường thành phố Điện Biên Phủ vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) thể hiện tấm lòng tri ân đối với các danh nhân và các anh hùng liệt sỹ đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và cho tỉnh Điện Biên; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Qua đó, giáo dục lòng biết ơn, tình yêu quê hương đất nước và truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau; góp phần từng bước xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đáp ứng tiêu chí đô thị loại II, làm tốt hơn nữa vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Điện Biên, là Trung tâm du lịch của khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Điện Biên

Tin cùng chuyên mục