Tối 25/11, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã bác bỏ các lời kêu gọi từ chức, mặc dù ông thừa nhận các cuộc bạo động và biểu tình chống lại ông đã tàn phá đảo quốc Thái Bình Dương này.
Trong phát biểu tối 25/11, ông Sogavare nói: "Nếu tôi phải rời khỏi vị trí Thủ tướng thì điều này sẽ được thảo luận tại quốc hội."
Thủ tướng Sogavare cũng kêu gọi những người biểu tình gây bạo loạn tại thủ đô Honiara trong 2 ngày qua trở về nhà.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, các phương tiện truyền thông địa phương ngày 25/11 đưa tin hàng nghìn người dân tại đảo Malaita đông dân nhất của Quần đảo Solomon đã xuống đường biểu tình bày tỏ sự phản đối về một loạt các vấn đề trong nước, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Sogavare từ chức.
Cảnh sát cho biết có khoảng 2.000 - 3.000 người tham gia biểu tình trong ngày 25/11, một số đã đốt các tòa nhà và cướp các cửa hàng ở phía Đông của thủ đô Honiara. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông, và bắt giữ hàng chục người.
[Ecuador kiểm soát được cuộc bạo loạn đẫm máu trong nhà tù Litoral]
Trước tình hình trên, ông Sogavare đã ra lệnh phong tỏa thủ đô Honiara trong 36 giờ và yêu cầu Australia hỗ trợ theo hiệp ước an ninh song phương được ký kết vào năm 2017.
Chiều 25/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo nước này sẽ gửi lực lượng cảnh sát và quân đội đến quần đảo Solomon để hỗ trợ "kiểm soát bạo loạn" và ổn định lại tình hình ở nước láng giềng.
Ông Morrison nhấn mạnh Australia không can dự vào các vấn đề nội bộ của Quần đảo Solomon./.