Ngày 23/9, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Đại hội lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2015-2020) với sự tham dự của 333 đại biểu, tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh chính trị và sức mạnh đoàn kết, đại diện cho gần 4 vạn đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu quan trọng được đề ra đạt và vượt kế hoạch.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 7,4%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2015 đạt khoảng 34 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 16,6%/năm….
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá; huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các nguồn lực trong nhân dân; đã từng bước gắn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp với quy hoạch nông thôn mới, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp.
Bên cạnh đó, sự nghiệp phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả hết sức quan trọng, nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,7% đầu năm 2011 xuống còn 6,9% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm gần 2,6%. Quốc phòng-an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển.
Nhiệm kỳ tới, Quảng Trị đã đặt ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả, gần dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tỉnh huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn; thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mức sống dân cư; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững… Tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và chúc mừng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị những thành tựu quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và rất khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Các nền kinh tế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh quyết liệt để phát triển, nhất là trong thương mại, đầu tư, nhân lực, khoa học và công nghệ.
Hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế. Một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết và đàm phán sẽ có hiệu lực; cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 đã xác định mục tiêu tổng quát của Việt Nam trong 5 năm tới là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Cùng hướng tới mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các định hướng của Trung ương để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương với ý trí và quyết tâm cao nhất của toàn Đảng bộ.
Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh đây là mục tiêu thiết thực và được đặt ra hết sức bức thiết, đòi hỏi tỉnh Quảng Trị phải có quyết tâm rất cao mới thực hiện được mục tiêu này.
Cơ bản đồng tình với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị trong nhiệm kỳ Đại hội 16 được nêu trong báo cáo chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội cùng nghiên cứu và thảo luận.
Trước hết là phải quán triệt sâu sắc và tập trung sức cao nhất thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Với vị trí ở điểm đầu hành lang Kinh tế Đông-Tây về phía Việt Nam, là cầu nối thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế, Quảng Trị cần khai thác tốt tiềm năng, phát huy thế mạnh, tận dụng tối đa lợi thế để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tỉnh tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Đông-Nam Quảng Trị và các dự án trọng điểm của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây cũng như các Khu Kinh tế biên giới Việt-Lào. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay theo Đề án đã được Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời đặc biệt chú trọng vận động thu hút đầu tư, phát triển mạnh sản xuất kinh doanh, tạo bước đột phá trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.
Thủ tướng cho biết, với vị trí địa chiến lược quan trọng của Quảng Trị, Chính phủ đã đồng ý bổ sung Quảng Trị vào các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vì vậy, tỉnh cần có sự chủ động, bổ sung hoàn thiện quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch để thu hút mạnh đầu tư; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh, nhất là các tỉnh trong khu vực miền Trung để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, dịch vụ có giá trị gia tăng cao và hiệu quả cao; nâng cao hiệu quả khai thác các dịch vụ vận tải đa phương thức trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, tạo thế mạnh, sức lan tỏa để Quảng Trị phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời bổ trợ cho nhau để các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu phải xác định đúng vị trị và tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, hiệu quả; gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân và nông thôn. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để xây dựng nền nông nghiệp pháp triển hiện đại, bền vững. Gắn chặt quá trình phát triển công nghiệp với nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh cần chú trọng phát triển kinh tế hộ, sản xuất kinh doanh hàng hóa, gắn chăn nuôi với trồng trọt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuận; tổ chức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cùng với khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống, phát triển các nghề mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Phải hỗ trợ phù hợp, tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Quảng Trị cần tiếp tục rà soát, cập nhật lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, gắn với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng tốt nhất để thu hút, huy động các nguồn lực, các doanh nghiệp vào đầu tư pháp triển mạnh các ngành, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương như công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may,… Phối hợp kết nối, hiệu quả với 2 tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới với tỉnh để bổ trợ cho nhau cùng có lợi, cùng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Quảng Trị cần kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, tạo thêm động lực để phát triển và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa của nhân dân. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước pháp triển. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo nghề; có chính sách thu hút nguồn nhân lực có tay nghề cao. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt chính sách đối với gia đình và người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách đối xã hội. Chăm lo phát triển phúc lợi xã hội, cải thiện ngày càng tốt hơn đời sối mọi mặt của mọi người dân phải luôn được xem là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quảng Trị tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Nghiên cứu, đề xuất với Trung ươ ng các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường quốc phòng an ninh, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội và phát huy hiệu quả của hành lang kinh tế Đông-Tây.
Phát triển đảo Cồn Cỏ kết hợp kinh tế với quốc phòng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa 11 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đề cao cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và làm thất bại từ manh nha các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định, gây bạo loạn lật đổ, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ then chốt cố ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ Quảng Trị nhiệm kỳ 2015-2020 là phải tăng cường công tác xây dựng đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh cả về phẩm chất, đạo đức, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt chú trọng giữ vững khối đoàn kết nhất trí cao trong đảng bộ.
Quảng Trị cần tập trung chú trọng xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán đáp ứng cho yêu cầu trước mắt và liên tục kế thừa. Không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chăm lo xây dựng củng cố và phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong vận động tập hợp các tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và pháp huy mạnh mẽ quyền làm chủ của mọi người dân, động viên, khơi dậy mọi nguồn lực nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu dự Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và trước nhân dân, sáng suốt lựa chọn những cán bộ tiêu biểu được Đảng bộ và nhân dân tín nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phải trên cơ sở thật sự coi trọng tiêu chuẩn nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ mới của Đảng bộ cũng cần phải cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính kế thừa và phát triển.
Thủ tướng đề nghị Đại hội cần quan tâm thực hiện những yêu cầu về công tác nhân sự các cấp ủy mà Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị đã đề ra, phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc ít người, đồng thời đề nghị Đại hội đề cao trách nhiệm lựa chọn những đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ, ý chí của Đảng bộ để bầu vào đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc, góp phần vào thành công của Đại hội lần thứ 12 của Đảng.
“Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang của mình, với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, với tinh thần dân chủ, trí tuệ và thực sự đổi mới, Đảng bộ và quân dân Quảng Trị sẽ chung sức, chung lòng, đề cao trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân, tiếp tục phát huy những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, ra sức khắc phục khó khăn thử thách, hạn chế yếu kém, không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, sớm trở thành một tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước và tiếp tục vững chắc đi lên, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, khá giả, hạnh phúc, văn minh, nghĩa tình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Trong chuyến công tác về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 16, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị và tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tại thành phố Huế) và thăm Khu di tích Tổng Bí thư Lê Duẩn (tại Quảng Trị)./.