Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã cam kết chấm dứt tình trạng bạo lực ở các tỉnh miền Nam nước này trong vòng một năm, trước khi Bangkok gia nhập Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEC), dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015.
Tuyên bố trên được đưa ra hôm 28/9 sau khi ông Prayuth có bài phát biểu từ chức Tư lệnh Lục quân tại một doanh trại quân đội ở tỉnh Nakhon Si Thammarat. Thủ tướng cho biết chính phủ cần phải chấm dứt tình trạng bạo lực ở miền Nam trước khi gia nhập AEC và việc ngày càng có nhiều du khách nước ngoài quay trở lại du lịch Thái Lan.
Theo ông, chính phủ Thái Lan nên chú trọng hơn vào đàm phán để đạt được hòa bình lâu dài và các cuộc hòa đàm này phải bao gồm các bên xung đột. Hiện công tác chuẩn bị cho việc khởi động đàm phán đang diễn ra tốt đẹp.
Kể từ tháng 1/2004, các vụ bạo lực đã liên tiếp xảy ra tại miền Nam Thái Lan, nhất là các tỉnh biên giới có đa số người Hồi giáo sinh sống như Pattani, Narathiwat và 4 quận ở Songkhla.
Theo số liệu thống kê của quân đội Thái Lan, trong một thập kỷ qua, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của 5.900 người và khiến 10.600 người bị thương. Chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và nhóm nổi dậy Mặt trận Cách mạng Dân tộc (BRN) đã khởi động đàm phán từ năm ngoái nhưng chỉ kéo dài được năm vòng và bị trì hoãn từ tháng 10/2013.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 26/9 về triển vọng đàm phán chấm dứt bạo lực ở miền Nam Thái Lan, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan (NSC) Thawil Pliensri khẳng định nhà chức trách không có chính sách sử dụng bạo lực để đáp trả người biểu tình và chính phủ đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với những người có quan điểm khác biệt.
Ông cũng cho biết các cuộc đàm phán không chính thức vẫn diễn ra và NSC sẽ cố gắng dỡ bỏ rào cản để khôi phục các cuộc hòa đàm thông qua việc xây dựng lòng tin giữa chính quyền và các nhóm nổi dậy./.