Thủ tướng: Người dân là trung tâm cũng là chủ thể phòng chống dịch

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn

Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch trên tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 để nghe báo cáo tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó xem xét, quyết định những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trước những diễn biến dịch phức tạp hiện nay. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc họp Chính phủ đột xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách, sáng 19/7 - ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng để phòng, chống dịch, đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19.”

Thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên phạm vi cả nước

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã thống nhất ban hành nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng chỉ đạo thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức điều hành phòng, chống dịch.

Tổ công tác đặc biệt đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương làm Tổ trưởng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Cuộc họp đã thống nhất cao nhiệm vụ tập trung lực lượng phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương về thực hiện giãn cách xã hội để giảm tốc độ lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì cùng với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đánh giá lại toàn bộ thông tin về chủng virus, xác định rõ nguy cơ của chủng này để có đối sách phù hợp với tình hình thực tế; tập trung phân loại các ca F0, trường hợp F1, mức độ nguy cơ nặng và rất nặng để có nguồn lực tập trung có trọng tâm, trọng điểm.

Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Quốc gia tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, tăng cường năng lực để cùng các lực lượng đánh giá, nhận định tình hình dịch.

[Bộ trưởng Y tế: Quyết giữ bằng được mặt trận chống dịch tại TP.HCM]

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong việc chấp hành các quy định của người dân; kêu gọi người dân hưởng ứng, tham gia và chấp hành với tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19.”

“Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân” - Thủ tướng khẳng định.

Các địa phương chủ động đề xuất yêu cầu chi viện về nhân lực, khả năng nhu cầu trang thiết bị chống dịch

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh, thành phố có dịch đề xuất cụ thể yêu cầu chi viện; các tỉnh, thành phố đang kiểm soát được dịch báo cáo về số lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể tham gia chi viện để có sự điều hành linh hoạt, chính xác.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ tập hợp lại để Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia trực tiếp điều hành nguồn nhân lực này trên tinh thần "không để thiếu, không chồng chéo, không lãng phí, đảm bảo theo nhu cầu thực tế."

Quang cảnh cuộc họp Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tương tự, các địa phương đánh giá năng lực, khả năng, nhu cầu về trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19. Bộ Y tế làm đầu mối mua sắm trang thiết bị tập trung để phân phối phù hợp; đồng thời phát huy tính sáng tạo, tính chủ động của các các địa phương để thực hiện nhiệm vụ này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về đấu thầu, đấu giá để triển khai nhiệm vụ chống dịch.

Hoạt động sản xuất kinh doanh phải thực sự an toàn, địa phương không ban hành "giấy phép con"

Đối với hoạt động sản xuất, Thủ tướng nêu rõ, những cơ sơ sản xuất thực sự an toàn mới cho hoạt động trên tinh thần "3 tại chỗ" (ăn ở tại chỗ, làm việc tại chỗ và cách ly tại chỗ) hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm," nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, phân bổ vaccine phòng COVID-19 hợp lý, nhanh chóng, tổ chức tiêm kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả và linh hoạt các đối tượng phù hợp với chiến lược đã đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, với chức năng nhiệm vụ của “đội quân công tác, chiến đấu và sản xuất,” Bộ Quốc phòng tích cực tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội, tham gia cung ứng, sản xuất; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Cùng với hệ thống chính trị cơ sở, Bộ Công an đang trực tiếp triển khai đảm bảo an ninh trật tự, kỷ luật cách ly tập trung tại 19 địa phương khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và trên toàn quốc.

Thủ tướng nêu rõ cần phải đảm bảo lưu thông, thông suốt trong cung ứng vật tư, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải không để ách tắc giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các tỉnh, thành phố phải tuân thủ hướng dẫn của Trung ương, không ban hành “giấy phép con.”

Bộ Công Thương phải đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân và phải tập trung nắm tình hình và xử lý ngay các vướng mắc.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn chặt chẽ, rõ ràng hơn liên quan đến các quy định về tài chính; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc vay, trả nợ ngân hàng đảm bảo phù hợp, sản xuất lưu thông, cân đối vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Do dịch bệnh tấn công vào các đô thị lớn, khu công nghiệp - những nơi tập trung đông người, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt, nghiêm công tác an sinh xã hội, triển khai linh hoạt, thường xuyên bổ sung đối tượng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và các chính sách khác phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm chắc tình hình, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thực phẩm... cho người dân.

Bộ Ngoại giao tập trung triển khai "ngoại giao vaccine," "ngoại giao công nghệ," tham gia mua sắm vật tư phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện công nghệ; quyết liệt trong quản lý nhà nước về truyền thông; công tác tuyên truyền thực hiện kịp thời, thông suốt, chính xác, hiệu quả, "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu," "lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực," truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân; tránh các thông tin xuyên tạc; tăng cường phân tích và làm rõ các thông tin nhằm huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Hiện nay, cả hệ thống chính trị, Chính phủ đang nỗ lực tập trung hằng ngày, hằng giờ vào công tác phòng, chống dịch vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân;" đồng thời đề nghị các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa các công trình công nghệ, chuyển giao công nghệ và đặc biệt liên quan đến việc công nhận các sản phẩm sản xuất trong nước. Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ tập trung thúc đẩy sản xuất sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vấn đề về rác thải, bảo vệ môi trường sống cho người dân, đặc biệt rác thải y tế, rác thải dân cư, rác ở các khu cách ly tập trung… trong lúc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ phòng, chống dịch.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao, Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ cần hạn chế nhiều hơn nữa việc tiếp xúc giữa người với người, không tập trung đông người, không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết; đảm bảo phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương; nghiêm túc, quyết liệt giãn cách xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

TP. HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn 

Thủ tướng yêu cầu cần tập trung cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thực hiện Chỉ thị 16 theo tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đặc biệt là trong giãn cách xã hội, giãn cách giữa người với người. Thủ tướng nhấn mạnh: "Giãn cách xã hội là nhiệm vụ quan trọng để giảm lây nhiễm."

Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở vào cuộc, đặc biệt huy động nguồn lực bằng hợp tác công tư để cộng đồng, nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia tích cực. Các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các quy định, thủ tục, vấn đề có thể phát sinh từ thực tiễn chưa dự phòng hết được trong công tác phòng, chống dịch.

Hạn chế thấp nhất số ca tử vong

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh tại các địa phương khu vực phía Nam diễn biến phức tạp (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đồng Tháp...), ngành y tế đã tích cực hỗ trợ cho các địa phương khu vực này, tăng cường công tác điều trị cho các bệnh nhân nặng, nhằm giảm thiểu tối đa tử vong.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 để điều trị các ca bệnh nặng, với quy mô 1.000 giường ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trong đó tập kết khoảng 2.000 máy thở các loại và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại đây quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở ôxy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo ôxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các địa phương.

[Thêm 80 ca tử vong do COVID-19, riêng Thành phố Hồ Chí Minh 70 ca]

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển một số vật tư, trang thiết bị điều trị cho các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở đề xuất, đề nghị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế.

Đến nay, Bộ Y tế đã hỗ trợ 6.844 người cho các địa phương khu vực phía Nam. Ngoài ra, còn hơn 9.000 người sẵn sàng chi viện thêm, tùy theo nhu cầu của các địa phương sẽ sắp xếp.

Bộ đã ban hành và huy động các trang thiết bị, thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng hộ, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí ôxy… cho công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Quán triệt phương châm “4 tại chỗ,” Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chủ động hậu cần trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng.

Dựa trên phân loại độ nặng, bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện theo chiến lược “tháp 3 tầng”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Không để tình trạng thiếu hụt xảy ra, không để bệnh nhân thiếu máy thở, tăng cường năng lực điều trị cho các khoa hồi sức cấp cứu nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong.”

Hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, đảm bảo lưu thông hàng hóa

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, với việc thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, Bộ Quốc phòng huy động lực lượng quân đội đóng trên địa bàn bảo đảm vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ người dân thu hoạch rau củ quả, nông sản.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng huy động trên 2.000 bác sỹ, điều dưỡng, 3.000 lái xe (trong đó có 1.500 lái xe chở vaccine phòng COVID-19), bảo đảm vận chuyển cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Một chốt kiểm soát dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng nhằm vận chuyển vaccine cũng như hỗ trợ phòng, chống dịch tại các điểm đảo xa, các vùng có điều kiện giao thông khó khăn. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế, thành lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng; sẵn sàng huy động các bệnh viện khác của quân đội trong trường hợp dịch xuất hiện.

Liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất với ý kiến của Bộ Y tế trong việc không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe...) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện Chỉ thị 16 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn.

Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng, chống dịch thấp hơn, cần có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp Realtime RT-PCR hoặc test nhanh) được thực hiện trong vòng 72 giờ.

Nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa trong việc thực hiện xét nghiệm định kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra ý kiến: “Nên thống nhất quy định, chỉ kiểm tra một chặng, một lần, giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ. Các địa phương không đặt ra quy định, điều kiện khác, tránh hiện tượng ách tắc hàng do các ‘giấy phép con’ khi di chuyển giữa các địa phương.”

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt hoạt động tại khu vực phía Nam; tăng cường việc thực hiện “luồng xanh” quốc gia và địa phương tại một số tỉnh, thành phố; thành lập 4 tổ y tế, hỗ trợ các địa phương thực hiện test nhanh cho lái xe.

Để đảm bảo giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã công bố luồng xanh quốc gia trên hệ thống Quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh, nội vùng qua các tỉnh, thành trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. 

“Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án dự phòng kế hoạch “luồng xanh” cho các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 kết nối với “luồng xanh quốc gia” để vận hành thống nhất hoạt động toàn quốc,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị 16, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu với những địa phương này./.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đến tối 19/7:

Tổng số ca mắc:

- Việt Nam có tổng cộng 55.946 ca ghi nhận trong nước và 2.079 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 52.215 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 54.376 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Số ca tử vong là 334 ca.

Tình hình điều trị:

Trong tổng số ca mắc, số ca được điều trị khỏi là 11.047 ca, số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) 118 ca và 18 bệnh nhân đang điều trị ECMO.

Số ca đang điều trị âm tính với SARS-CoV-2: Lần 1 là 226 ca, lần 2 là 112 ca, lần 3 là 123 ca.

Tình hình xét nghiệm:

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.589.253 xét nghiệm cho 12.189.959 lượt người.

Tình hình tiêm chủng:

Tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người; Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 306.475 người. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục