Việc cấp phép các mỏ đất làm vật liệu san lấp không qua đấu thầu nhằm phục vụ tiến độ các công trình trọng điểm, công tác quy hoạch khu vực tài nguyên khoáng sản, nhất là các mỏ cát trắng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế những năm qua chưa sát với nhu cầu và thực tiễn phát triển của địa phương đang là những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Không sát với nhu cầu thực tế
Từ năm 2020 đến nay, câu chuyện về nguồn đất vật liệu san lấp trở thành vấn đề nóng của nhiều dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là khi một số công trình trọng điểm đồng loạt được triển khai như tuyến cao tốc La Sơn-Tuý Loan, Cam Lộ-La Sơn, Nhà ga hành khách T2 Sân bay Quốc tế Phú Bài, Dự án Chương trình Phát triển các Đô thị loại II (Greencity) bước vào giai đoạn tăng tốc để kịp tiến độ.
Từ thực tế trên, Thừa Thiên-Huế đã cho phép khai thác chỉ định khoảng chục mỏ khoáng sản không qua đấu giá. Hiện nay, vấn đề này đang có những bất cập dẫn đến tình trạng nơi thừa không bán được, nơi thiếu cục bộ nguồn vật liệu đất san lấp.
Mỏ đất tại khu vực đồi Trốc Voi 1, phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) của một doanh nghiệp có diện tích rộng hơn chục ha được cấp phép vào cuối năm 2020 theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá, phục vụ cung cấp đất san lấp cho dự án Nhà ga hành khách T2 Sân bay quốc tế Phú Bài.
Tuy nhiên, chủ mỏ mới chỉ cung cấp một phần tổng khối lượng thì dự án này đã hết nhu cầu. Trong khi đó, cùng thời điểm này, tỉnh cũng cấp phép chỉ định cho nhiều mỏ khác nên các nhà thầu có nhiều sự lựa chọn.
[Bất cập trong khai thác khoáng sản tại TT-Huế: Quản lý lỏng lẻo]
Theo quy định đối với các mỏ chỉ định không qua đấu giá chỉ được cung cấp nguồn đất san lấp cho đích danh các dự án trọng điểm của tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư công khác cần đất san lấp nhưng lại khó tìm được nguồn cung, phải mua với giá cao.
Trong khi đó, các mỏ vật liệu chỉ định lại phải “nằm bất động.” Hiện nay, giá đất vật liệu san lấp thu mua tại một số mỏ có giá lên tới hơn 50.000 đồng/m3.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tổng khối lượng dôi dư của các mỏ khoáng sản chỉ định không qua đấu giá hiện vào khoảng 1,5-2 triệu m3.
Tại Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII diễn ra vào giữa tháng 7/2022, đại diện đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng cho rằng, việc cấp phép quá nhiều các mỏ chỉ định, không sát với nhu cầu thực tế của các công trình trọng điểm gây ra sự lãng phí sử dụng nguồn tài nguyên.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế Hồ Đắc Trường cho biết quy định của pháp luật về hoàn thành thủ tục để được cấp phép khai thác khoáng sản đòi hỏi nhiều thời gian như vẫn phải qua giai đoạn thăm dò, phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích đất rừng sang mục đích khác, làm thủ tục thuê đất… để đảm bảo các điều kiện đi vào hoạt động.
Ngược lại, do áp lực về tiến độ công việc nên chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án đã sử dụng nguồn đất san lấp từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Vì vậy, khi các mỏ đất không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cung cấp cho các công trình đầu tư công trọng điểm đi vào hoạt động thì nhu cầu đất đắp của các công trình này đã gần đủ, dẫn đến tình trạng dôi dư nguồn đất tại các mỏ này.
Ông Hồ Đắc Trường nêu rõ giải pháp để giải quyết phần trữ lượng còn dôi dư tại các mỏ thuộc trường hợp nêu trên, căn cứ quy định pháp luật về khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu và được ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất việc điều chỉnh mục tiêu các mỏ để phần trữ lượng dôi dư hiện nay được khai thác cung cấp cho các công trình sử dụng ngân sách nhà nước như: phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới…
Điều chỉnh quy hoạch mỏ cát
Phong Điền là địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn của tỉnh với 20 mỏ khoáng sản đang hoạt động; trong đó các mỏ cát trắng có trữ lượng rất lớn.
Theo Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020, trên địa bàn huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên-Huế có 4.785 ha tại 6 khu vực quy hoạch thăm dò khai thác và dự trữ khoáng sản cát trắng cho công nghiệp vật liệu xây dựng; tập trung tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Hiền và 2 khu vực tại xã Điền Hòa.
Lãnh đạo huyện Phong Điền cho biết đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 5 giấy phép khai thác với diện tích hơn 749ha và 5 giấy phép thăm dò cát trắng với diện tích hơn 513ha trên địa bàn huyện. Diện tích còn lại chưa có giấy phép khai thác và thăm dò là hơn 3.522ha.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác cho Công ty cổ phần Frit Huế với diện tích 67ha; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với diện tích hơn 406ha; Công ty cổ phần Prime Thiên Phúc 103ha; Công ty cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa gần 88ha; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Việt Nam hơn 85ha.
Tuy nhiên, hiện nay đang phát sinh một bất cập bởi vì việc khoanh vùng quy hoạch khoáng sản không sát với thực tế, chồng lấn lên diện tích đất rừng tự nhiên hiện hữu, khu dân cư, đất khu trang trại tổng hợp, các khu đất nghĩa trang lâu đời của người dân địa phương.
Tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền đang có hai khu nghĩa trang truyền thống của người dân tồn tại hàng trăm năm với hàng ngàn ngôi mộ. Tuy nhiên, khu vực này lại đang nằm trong khu quy hoạch khai thác của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phong Hiền Hoàng Ngọc Trung, trong diện tích quy hoạch khai thác khoáng sản cát trắng đã được cấp phép của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương có khu vực 7, 8 chồng lấn với khu nghĩa trang lâu đời của người dân trong xã.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đều kiến nghị và mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh lại diện tích quy hoạch để giữ lại nơi yên nghỉ của nhiều thế hệ cha ông đã có công khai mở vùng đất này.
Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp quyết định cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương khai thác cát trắng bằng phương pháp lộ thiên, với diện tích khu vực khai thác hơn 406 ha ở 8 khu vực ở xã Phong Hiền với trữ lượng khai thác khoảng hơn 27,7 triệu tấn cát trắng, phục vụ nguyên liệu cho Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cát trắng. Hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đang khai thác trên phạm vi khoảng 40ha.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền, sau khi kiểm tra, rà soát, địa phương thống nhất kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản quốc gia diện tích 1.177ha để tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần xem xét, cho thuê đất theo tiến độ dự án đầu tư, khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nhằm tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế Hồ Đắc Trường cho biết, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đoàn khảo sát Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) rà soát, điều chỉnh lại diện tích chồng lấn theo như phản ánh, kiến nghị của huyện Phong Điền nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế.
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; rà soát, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò; ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ để khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm những doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động…
Thông qua đó góp phần tháo gỡ những bất cập từ hoạt động khai thác khoáng sản để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên có hạn phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.