Thừa Thiên-Huế "mạnh tay" xử lý việc đổ rác thải ra môi trường

Tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt đầu "mạnh tay" xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm và nguy hại của chất thải.
Người dân thành phố Huế tổ chức vớt bèo trên sông Hương trong phong trào Ngày Chủ nhật xanh. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên-Huế xanh-sạch-sáng" đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen (ngày 2/6).

Đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là tình trạng trên đường phố, công viên rác thải được thải bỏ không đúng nơi quy định; việc rải vàng mã ở nơi công cộng, xuống các dòng sông, kênh rạch, ao hồ vẫn còn phổ biến.

Hành vi đổ trộm chất thải xây dựng (chất thải rắn), đã làm ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, an toàn giao thông, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Từ ngày 1/7, tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt đầu "mạnh tay" xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Theo đó, mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng với các hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện); vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định...

Ngoài ra, tỉnh còn tiến hành xử phạt hành vi chôn, lấp, đổ, thải, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp trái với quy định về bảo vệ môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; xem xét tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (tính theo khối lượng đổ thải và mức độ nguy hại của chất thải).

[Xả thải gây ô nhiễm, một doanh nghiệp bị phạt 378 triệu đồng]

Các hoạt động này nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Lệ, công nhân vệ sinh môi trường đô thị Huế cho biết, nhiều trường hợp lén lút đổ phế thải xây dựng (chất thải rắn) ra đường vào ban đêm, gây khó khăn cho công tác dọn vệ sinh làm sạch đẹp đường phố.

Vì vậy, cùng với quá trình tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức của cộng đồng, chị hết sức đồng tình với việc triển khai các chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, xả rác thải cũng như chất thải không đúng nơi quy định.

Lực lượng thanh niên tham gia dọn rác trong các công viên trên địa bàn thành phố Huế trong phong trào Ngày Chủ nhật xanh. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Đáng chú ý, qua giám sát bằng hệ thống camera của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế thời gian qua, đã phát hiện 35 trường hợp vi phạm về các lĩnh vực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

Hiện số lượng camera giám sát của Trung tâm có 60 camera được kết nối; 182 camera của các phường, xã, cơ quan nhà nước trên địa bàn đang tiến hành các giải pháp kết nối trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, Thừa Thiên-Huế đã và đang khảo sát và đầu tư 102 camera theo đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh để hỗ trợ giám sát, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng.

Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên-Huế xanh-sạch-sáng" được các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng.

Đến nay, trên từng nẻo đường, góc phố, khu dân cư từ thành thị đến nông thôn, dù cán bộ công chức hay người dân lao động đã cùng với nhân dân trên từng địa bàn dân cư cùng tham gia thu dọn rác thải, phát quang đường làng ngõ xóm, vớt bèo trên sông, trồng hoa, cây xanh, tách bóc quảng cáo rao vặt không đúng quy định.

Các hoạt động này giúp hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống thiếu văn minh, thiếu ý thức của một số cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Thời gian qua, siêu thị Big C Huế đang dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, loại trừ dần túi nilon ra khỏi kệ hàng mà sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối tươi, lá cây vả, lá sen.

Siêu thị Co.opMart Huế kể từ ngày 10/6, đã không còn việc sử dụng túi nilon hay các sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần.

Những mặt hàng tại Co.opMart Huế nay được bọc hay đựng bằng túi giấy, thùng giấy hoặc lá chuối tươi.

Hội Phụ nữ chợ Đông Ba đang tiến hành xây dựng mô hình, vận động tiểu thương một số quầy hàng, ngành hàng như đồ khô, rau củ, gia vị... làm điểm dùng giấy, lá gói hàng thay túi nilon để dần dần nhân rộng ra các quầy hàng, ngành hàng có khả năng áp dụng; triển khai sử dụng túi dễ phân hủy.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết với phương châm "Mỗi cá nhân, hộ gia đình một việc làm; mỗi tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp một công trình, phần việc để Thừa Thiên-Huế thêm xanh-sạch-sáng," lãnh đạo tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, triển khai các hoạt động, lan tỏa phong trào thực hiện "Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên-Huế xanh-sạch-sáng."

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế còn viết tâm thư nhắn gửi: "Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn. Bạn cùng tôi hãy hành động để hun đúc khát vọng Huế, để Huế mãi là nguồn cảm hứng, niềm tự hào của tôi, của bạn và của mỗi người dù chưa một lần đến Huế.”

Sự tâm huyết và hành động thực tế của lãnh đạo tỉnh đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, khiến phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" ngày càng lan tỏa rộng khắp trên địa bàn.

Đến nay, ở Thừa Thiên-Huế, phong trào đang thực sự đi vào cuộc sống, với nhiều hình thức phong phú như "60 phút sạch nhà, đẹp ngõ," cùng với thực hiện các mô hình "Huế - Thành phố 4 mùa hoa"; "Dòng Hương trong xanh"; "Tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp-trật tự trị an" hoặc phong trào "Nói không với túi nilon sử dụng 1 lần"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục