Đề xuất xây thêm nhà máy thủy điện Đồng Cam: Nhiều lo ngại (bài 2)

Thuận-nghịch trong xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Cam

Việc xây dựng thủy điện Đồng Cam để bổ sung vào quy hoạch điện được đánh giá là mang lại lợi ích, tuy nhiên vẫn còn những lo ngại liên quan đến điều tiết nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến tuyến đập thủy điện Đồng Cam (đập cao su) bố trí về phía thượng lưu đập Đồng Cam khoảng 2km. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Dự kiến tuyến đập thủy điện Đồng Cam (đập cao su) bố trí về phía thượng lưu đập Đồng Cam khoảng 2km. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Vẫn còn những lo ngại liên quan đến điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn khi triển khai dự án thủy điện Đồng Cam.

Bài 2: Thuận-nghịch trong xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Cam

Sông Ba khi chảy về hạ lưu để đổ ra biển còn gọi là sông Đà Rằng và trở thành dòng sông biểu tượng của tỉnh Phú Yên.

Hiện nay, trên lưu vực sông Ba đang khai thác 12 nhà máy thủy điện; trong đó, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy thủy điện gồm: Krông H’Năng, Sông Hinh và Sông Ba Hạ.

Việc nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án thủy điện Đồng Cam để bổ sung vào quy hoạch và triển khai thực hiện được đánh giá là mang lại lợi ích. Tuy nhiên vẫn còn những lo ngại liên quan đến điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Không để ảnh hưởng nước sinh hoạt

Ở phía hạ lưu sông Ba hiện có 3 nhà máy nước khai thác nguồn nước mặt để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Các nhà máy nước này thuộc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên quản lý.

Nhà máy nước Tuy Hòa có công suất thiết kế 28.000 m3/ngày đêm, hiện đang khai thác công suất 25.000 m3/ngày đêm; nước thô cho nhà máy tại công trình thu nước ở 2 xã Hòa An và Hòa Thắng (huyện Phú Hòa).

Nhà máy nước Phú Hòa công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm; nước thô lấy tại thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa). Nhà máy nước Sơn Hòa công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm; nước thô lấy tại thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa).

Theo quy hoạch cấp nước tỉnh Phú Yên đã được phê duyệt (tính đến năm 2030), nhà máy nước Tuy Hòa nâng công suất lên 55.000 m3/ngày đêm; nhà máy nước Phú Hòa nâng công suất lên 8.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước thô để cấp nước cho nhà máy được khai thác từ sông Ba.

TTXVN_1710 Phu Yen Dong Cam 3.jpg
Chỉ số nước liên quan đến nhiễm mặn đo được vào ngày 16/10/2024 tại kênh thu nước của nhà máy nước Tuy Hòa. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Nguồn nước sinh hoạt phục vụ cho người dân ở thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa, Tây Hòa và phía Nam huyện Tuy An với tổng số khách hàng là hơn 35.000 hộ.

Đó là chưa kể, nguồn nước này còn phục vụ cho hoạt động của Khu kinh tế Nam Phú Yên (được xác định là động lực tăng trưởng của tỉnh Phú Yên trong tương lai) và hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác tại địa phương.

Vào tháng 7/2021, người dân tại thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa sử dụng nguồn nước do Nhà máy nước Tuy Hòa cung cấp từng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Thời điểm đó xác định nguyên nhân thiếu nước là do mực nước từ sông Ba xuống rất thấp.

Ngoài ra, triều cường lên cao khiến mặn xâm nhập sâu vượt qua khu vực công trình thu nước của nhà máy nước Tuy Hòa. Độ mặn đo được lên đến 16.000 mg/lít (tiêu chuẩn tối đa là 250 mg/lít).

Do vậy, nhà máy nước Tuy Hòa phải tạm dừng sản xuất nước, dẫn đến tình trạng thiếu nước trên diện rộng. Để giải quyết tình trạng mất nước, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên đã phải tập trung xử lý nguồn nước nhiễm mặn tại Trạm bơm cấp 1 (xã Hòa An, huyện Phú Hòa); kích hoạt Trạm bơm Hòa Thắng đảm bảo công suất 500 m3/giờ.

Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên (Pywase) bày tỏ rất ủng hộ dự án nhà máy thủy điện nếu phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đến nay, Pywase mới chỉ tiếp nhận thông tin về dự án nhà máy thủy điện Đồng Cam qua báo chí phản ánh; chưa được tham gia góp ý về dự án này. Nhưng điều cần được lưu tâm là việc cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân và phục vụ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương phía hạ lưu sông Ba.

Vào mùa mưa, lượng nước tương đối dồi dào nhưng vào mùa khô, nếu lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về không ổn định thì khả năng xâm nhập mặn là rất lớn.

Với diễn biến phức tạp của thời tiết và điều kiện thủy văn (triều cường lên, xuống), cán bộ kỹ thuật của nhà máy nước phải thường xuyên đo đạc các thông số về độ mặn để đảm bảo thu nước vào hệ thống xử lý đúng tiêu chuẩn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, hiện nay ranh giới nhiễm mặn ở Tuy Hòa đã lên đến xã Hòa An (huyện Phú Hòa) với tổng khoáng hóa TDS >1g/l (theo Báo cáo chuyên đề đặc điểm chất lượng nước dưới đất tỉnh Phú Yên thuộc dự án Biên hội - thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc.

Khu vực Nam Trung bộ do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền Trung thực hiện). Do đó, việc ngăn đập thủy điện Đồng Cam với dung tích hồ chứa 15,4 triệu m3 có làm gia tăng ranh giới nhiễm mặn ở hạ lưu sông Ba hay không cần phải được đánh giá kỹ lưỡng.

Báo cáo của nhà đầu tư chưa đánh giá cụ thể yếu tố nhiễm mặn. Các nội dung đánh giá về thay đổi lòng dẫn, lưu lượng bùn cát, nhiễm mặn và các tác động môi trường khác mới chỉ mang tính sơ bộ.

Duy trì “mạch sống quê hương”

Nhà máy thủy điện Đồng Cam được nhà đầu tư đề xuất xây dựng gần công trình thủy lợi đập đầu mối Đồng Cam. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên để tưới cho 19.000 ha lúa; trong đó hữu ngạn 11.000ha, tả ngạn 8.000ha ở đồng bằng Tuy Hòa và các loại cây trồng khác.

Với người dân tỉnh Phú Yên, hệ thống thủy nông Đồng Cam được ví như “mạch sống quê hương.”

TTXVN_1710 Phu Yen Dong Cam 2.jpg
Nước ở hạ lưu sông Ba (dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Cam) là nguồn chính cấp cho 3 nhà máy nước phục vụ sinh hoạt. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Trong văn bản tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ đề xuất ý tưởng khảo sát, nghiên cứu dự án thủy điện Đồng Cam, nhà đầu tư khẳng định tuyệt đối không ảnh hưởng đến công trình đập thủy nông Đồng Cam.

Hiện nay, một số thời điểm trong năm, mực nước từ đập Đồng Cam ở phía thượng lưu không đủ cao để chảy vào kênh Bắc và kênh Nam của hệ thống thủy nông Đồng Cam, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu.

Việc xây dựng thêm hồ thủy điện tại phía thượng lưu đập Đồng Cam sẽ làm lợi cho việc điều tiết nước tưới từ nguồn dự trữ này vào hệ thống kênh tưới của thủy nông Đồng Cam trong mùa khô; giảm thiểu tình trạng thiếu nước, giúp đời sống người dân thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết việc duy trì nguồn nước phục vụ tưới cho hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu ở hạ lưu là yêu cầu bắt buộc khi nhà đầu tư đề xuất dự án thủy điện.

Công trình thủy điện Đồng Cam, bố trí cửa lấy nước trả về đập Đồng Cam nếu với lưu lượng thiết kế 45 m3/s sẽ đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của thủy lợi đập Đồng Cam hiện tại và theo quy hoạch tương lai.

Khi công trình thủy điện Đồng Cam đi vào vận hành khai thác, mùa khô có đập giữ được hơn 15,4 triệu m3 nước sẽ thuận lợi cho điều tiết nước thủy lợi.

Những tác động thuận lợi của nhà máy thủy điện Đồng Cam đã được chỉ rõ nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên vẫn còn những lo ngại về việc vận hành xả lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba theo Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo đề xuất đầu tư, phương án vận hành khi có lũ về là xả hết nước bên trong đập cao su, hạ cao trình đỉnh đập bằng cao trình đáy sông, nhưng chưa làm rõ việc xả hết dung tích 15,4 triệu m3 với chênh lệch cột nước là 3m trong thời gian ngắn sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến an toàn đập thủy nông Đồng Cam?

Phương án vận hành nhà máy thủy điện trong mùa kiệt là trả về hạ lưu bằng cửa lấy nước chiều rộng 10m. Nhưng chưa làm rõ về lưu lượng dòng chảy trả về hạ lưu với khẩu độ cống nêu trên có đảm bảo theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba; chưa làm rõ trường hợp cần tăng lưu lượng về hạ lưu để đảm bảo tưới.

Ngoài ra, nhà đầu tư đề xuất lưu lượng sau phát điện 442 m3/s trả về hạ lưu sau đập Đồng Cam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng nước đến, khả năng đảm bảo cấp nước của công trình nhưng chưa được đánh giá cụ thể tác động và ảnh hưởng đến nhiệm vụ cấp nước của công trình đập Đồng Cam (công trình đảm bảo tưới hơn 60% diện tích sản xuất lúa của tỉnh Phú Yên).

Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cũng cho rằng, nhà đầu tư chưa làm rõ được phương án vận hành khi có lũ về. Nếu đập cao su được xả hết nước bên trong, làm xẹp xuống đáy lòng sông cũ cần có đánh giá những tác động, ảnh hưởng đến đập Đồng Cam khi trong thời gian ngắn xả hết dung tích 15,4 triệu m3.Dự án thủy điện Đồng Cam có những tác động tích cực cơ bản như: Góp phần tạo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội; tăng thu ngân sách; hỗ trợ cho điều tiết thủy lợi; tạo cảnh quan cho danh thắng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn khi trả lời báo chí về các dự án thủy điện đã nhấn mạnh: “kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển, nhất là với thủy điện...”

Đối với dự án thủy điện Đồng Cam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đang yêu cầu nhà đầu tư và các cơ quan chuyên môn phải đánh giá thật kỹ lưỡng những tác động thuận-nghịch nếu triển khai thực hiện dự án này./.

Bài 1: Lo lắng tác động đến di tích quốc gia của Phú Yên

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục