Báo Le Monde của Pháp ngày 23/11 đưa tin, hơn 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi tại châu Âu có thể đã nhiễm phụ gia chứa vi khuẩn biến đổi gene bị Liên minh châu Âu (EU) cấm.
Báo trên đã dẫn nguồn giới chức Hà Lan cho biết 8 tấn phụ gia vitamin B2 được sản xuất bởi chủng biến đổi gene của vi khuẩn Bacillus subtilis đã được bán ra ở Ba Lan, Italy và Hà Lan trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua.
Phụ gia này còn được biết đến với tên gọi riboflavin (80%), vốn được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, lợn và gia cầm.
Do chỉ có một lượng nhỏ chất phụ gia được sử dụng, lượng thức ăn chăn nuôi bị nhiễm có thể vào khoảng 800.000-1,6 triệu tấn tại Hà Lan.
Số phụ gia trên do công ty Sơn Đông của Trung Quốc sản xuất, và công ty Trouw Nutrition của Hà Lan phân phối.
Công ty Trouw Nutrition cũng sở hữu Nutreco, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới. Theo nguồn tin, khoảng 2,5 tấn phụ gia trên có thể đã được sử dụng trong chăn nuôi tại Ba Lan.
[Food Evolution – Góc nhìn khách quan về thực phẩm biến đổi gene]
Cách đây 2 tháng, Ủy ban châu Âu đã rút cấp phép lưu hành vitamin B2 và yêu cầu rút sản phẩm khỏi các kệ hàng vào ngày 10/11 vừa qua, sau khi Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) khẳng định chất phụ gia này đe dọa đến sức khỏe động vật lẫn con người.
Theo EFSA, vitamin B2 có nguy cơ tiềm ẩn đối vối người tiêu dùng và môi trường, do sự hiện diện của loại gene bị biến đổi có khả năng chống lại những kháng sinh quan trọng đối với người và động vật.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết đã kích hoạt Hệ thống Cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, song không tiết lộ quốc gia nào nằm trong diện bị cảnh báo hay số lượng phụ gia bị truy nguồn gốc.
Quan chức này nhấn mạnh đây là trách nhiệm của các nước thành viên EU trong việc đảm bảo các sản phẩm bị cấm không có mặt trên thị trường, cũng như trừng phạt đối tượng vi phạm.
Cơ quan an toàn thực phẩm của nhiều quốc gia hiện đang truy tìm số hàng phụ gia trên kể từ khi có lệnh cấm.
Tháng 10 vừa qua, nhà chức trách Bỉ đã phát hiện 60kg phụ gia do một công ty Hà Lan nhập khẩu từ Trung Quốc.
Báo Le Monde dẫn nguồn nhà chức trách Hà Lan nêu rõ số hàng phụ gia bị cấm cũng đã được gửi sang Pháp, Đức, Na Uy, Nga, Phần Lan và Iceland./.