Thúc đẩy hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam-Ai Cập

Theo Bộ Công Thương, Ai Cập hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và là thị trường còn nhiều tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi.
Việt Nam đề nghị Ai Cập mở cửa thị trường cho một số hàng nông sản như thanh long, vải, gừng, nghệ. (Ảnh: TTXVN)

Kỳ họp lần thứ 2 Tiểu ban hợp tác về Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Ai Cập do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Bộ Công Thương Ai Cập Ibrahim El-Seginy đồng chủ trì đã được tổ chức ngày 18/8 theo hình thức trực tuyến nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác thương mại, công nghiệp giữa hai nước.

Tại Kỳ họp, hai bên đã rà soát tình hình hợp tác thương mại và công nghiệp kể từ Kỳ họp lần thứ nhất (tháng 4/2018); trao đổi về tình hình khu vực và thế giới có ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa hai nước; thảo luận và thống nhất một số biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, hai bên cũng đã trao đổi về các cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực công nghiệp; một số định hướng và giải pháp tăng cường hơn nữa kết nối kinh tế giữa hai nước và khắc phục những tác động của dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, trao đổi các vấn đề quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước; trong đó, nhất trí xây dựng cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, quy định quản lý xuất nhập khẩu, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quản lý chất lượng hàng hóa.

Đồng thời, hai bên đều mong muốn tiếp tục phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc xem xét, dành cho nhau cơ hội tiếp cận thị trường để thúc đẩy hơn nữa thương mại hàng hóa song phương, nhất là đối với nhóm hàng nông, thủy sản trên tinh thần phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương.

[Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập]

Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa hai nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, tăng cường các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics như hợp tác xây dựng các đề án, nghiên cứu khoa học về logistics, tổ chức hội thảo phổ biến logistics và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.

Mặt khác, cùng trao đổi thông tin về chính sách phát triển công nghiệp và ưu tiên của mỗi bên để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại; xem xét khả năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp: điện, dệt may, hóa chất, ô tô, vật liệu xây dựng, viễn thông...

Nhân dịp này, Việt Nam đề nghị Ai Cập mở cửa thị trường cho một số hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh, bao gồm thanh long, vải, gừng, nghệ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu sang Ai Cập đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định 43/2016 và 44/2019 về đăng ký nhà máy đối với doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài; Nghị định 114 năm 2020 về Luật Hải quan mới; Nghị định 38 năm 2021 về việc áp dụng Hệ thống thông quan điện tử một cửa mới; tổ chức chương trình đào tạo kỹ thuật trong lĩnh vực Halal về xây dựng năng lực cho 10 - 20 cán bộ Việt Nam làm việc trong lĩnh vực Chứng nhận Halal theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Kỳ họp kết thúc thành công và một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của cơ chế Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Ai Cập nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh thương mại thế giới và khu vực đang gặp nhiều khó khăn, với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn.

Theo Bộ Công Thương, Ai Cập hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và là thị trường còn nhiều tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi.

Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam-Ai Cập trong năm 2020 đạt 515 triệu USD, tăng 4,8% so với năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập đạt 238,7 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ai Cập bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; kim loại thường khác và sản phẩm; xơ, sợi dệt các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng thủy sản; hạt điều; điện thoại các loại và linh kiện; hạt tiêu; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; rau quả; dệt, may...

Đáng chú ý, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Ai Cập hàng rau quả; sắt thép phế liệu; chất dẻo nguyên liệu; phân DAP; nguyên phụ liệu dệt may, da giày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục