Hội nghị Nhóm làm việc thảo luận xây dựng Công ước khu vực về chống đánh bắt cá trái phép và các loại hình tội phạm liên quan đã diễn ra trong hai ngày 2-3/5, tại thành phố Surabaya, Indonesia.
Cuộc họp được Indonesia tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị về việc xây dựng một “Công ước khu vực về phòng chống hành vi đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) và các loại hình tội phạm liên quan đến hoạt động này” (Hội nghị IUU).
Tham gia cuộc họp có đại diện của một số nước ASEAN (trừ Singapore, Malaysia và Brunei), Mỹ, Australia, Trung Quốc và Timor Leste.
Trên cơ sở ý kiến của các nước tham gia hai Hội nghị IUU được tổ chức vào tháng 5 và tháng 10/2016, Indonesia đã đề xuất thay đổi cách tiếp cận đối với việc xây dựng văn kiện khu vực điều chỉnh vấn đề IUU và đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến đối với đề xuất của Indonesia với tư cách chuyên gia. Theo đó, Indonesia đề xuất xây dựng một “Hiệp định hợp tác khu vực về việc phòng chống các loại hình tội phạm liên quan đến hoạt động nghề cá” (Hiệp định chống tội phạm nghề cá). Nước này cũng đưa ra tài liệu về các nội dung nổi bật, cần được đưa vào nội dung Hiệp định (Tài liệu salient points). Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung vào hai vấn đề chính là tính cần thiết của việc xây dựng Hiệp định về tội phạm nghề cá và nội dung Hiệp định.
Quan điểm chung của các đại biểu là Indonesia chưa đưa ra được lập luận để chứng minh cho việc cần thiết phải ban hành một Hiệp định khu vực về phòng chống các loại hình tội phạm được thực hiện trong hoạt động nghề cá.
[Indonesia đánh chìm hàng chục tàu nước ngoài đánh bắt cá trái phép]
Các đại biểu của Australia, Mỹ, Timor Leste, Trung Quốc, Việt Nam đều nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Hiệp định về tội phạm nghề cá trong tương lai với các văn kiện pháp lý quốc tế hiện có điều chỉnh về các loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà các nước trong khu vực là thành viên như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC), Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988 (Công ước 1988)...
Về nội dung Hiệp định, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: mục tiêu của Hiệp định; hợp tác quốc tế và khu vực; xây dựng năng lực của các bên trong việc thực thi Hiệp định; biện pháp thị trường; các loại hình tội phạm liên quan đến nghề cá.
Đại diện phía Thái Lan cho rằng mục tiêu theo đề xuất của Indonesia “Thúc đẩy và đảm bảo việc sử dụng bền vững tài nguyên nghề cá trong vùng biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định” là không phù hợp với tên gọi và mục đích xây dựng Hiệp định.
Về vấn đề hợp tác quốc tế và khu vực, quan điểm chung của các đại biểu là hợp tác nhằm chống các loại tội phạm xuyên quốc gia nói chung là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đã được quy định tại các văn kiện pháp lý quốc tế, điều chỉnh việc chống tội phạm nên quy định về hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định chống tội phạm nghề cá trong tương lai cần tránh trùng lặp với các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế hiện hành.
Về biện pháp thị trường và các loại hình tội phạm liên quan đến nghề cá, một số đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ việc coi các vấn đề này là nội dung nổi bật, cần phải có trong Hiệp định theo đề xuất của Indonesia.
Trên cơ sở các nội dung được thảo luận tại Cuộc họp, Indonesia đề nghị Cuộc họp thống nhất đưa ra đề xuất về việc thành lập một Nhóm làm việc (WG) trong khuôn khổ Hội nghị IUU. Đề xuất này sẽ được trình lên Hội nghị IUU lần thứ 3, dự kiến được tổ chức vào tháng Tám tới./.