Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chặt ô nhiễm môi trường

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí; xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, kiểm soát nguồn phát thải.

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 03 ngày 18/1/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân

Liên quan đến ô nhiễm môi trường không khí, theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ năm 2018 đến nay, chất lượng môi trường không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc có chiều hướng suy giảm, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của cộng đồng, đây cũng là vấn đề xảy ra đối với các thành phố, đô thị lớn tại các quốc gia đang phát triển.

Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu.

Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết, khí hậu bất lợi, nhất là hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra tại miền Bắc Việt Nam cũng tác động lớn.

Mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm.

Vào những ngày có độ ẩm cao, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, sương mù xuất hiện dày đặc làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm không khí ô nhiễm nặng.

Theo kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí tự động, bắt đầu từ nửa cuối tháng 10/2020 trở về cuối năm, chất lượng không khí có diễn biến xấu đi so với những tháng trước đó, đặc biệt trong đầu tháng 11 và nhiều ngày trong tháng 12, tháng 1/2021 đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc.

Nhiều nơi chỉ số chất lượng không khí ở mức nâu (trên 400) là mức nguy hại - mức cao nhất trên thang cảnh báo, mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.

Phối hợp chặt chẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, trong 5 năm tới (2021-2026), Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, cụ thể là triển khai các quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; khẩn trương xây dựng và triển khai đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn thông tin chính thống.

Tổng cục Môi trường rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; rà soát lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh, hoàn thiện.

Các bộ có liên quan cần chủ động tổ chức, hướng dẫn thực hiện việc kiểm soát nguồn phát thải từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp, dịch vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; đề xuất giải pháp cụ thể kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, bụi để bảo vệ môi trường không khí.

[Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí]

Đặc biệt, hai đô thị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, phương tiện giao thông vận tải, phát triển đô thị (cải tạo mặt đường, vỉa hè); kịp thời ứng phó, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Khói từ đốt rác và nhà máy là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Hai đô thị thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi và khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

Một số hạng mục cần thường xuyên thực hiện như tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố, đặc biệt trong những ngày khí hậu thời tiết hanh khô; thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông; xây dựng thêm nhiều không gian xanh trong các đô thị.

Lực lượng công an phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Các xe ngoại tỉnh vào nội đô cần được chia làn, rửa xe, xe chở nguyên vật liệu phải che chắn để hạn chế bụi.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Chính phủ mới chỉ quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô, trong đó ôtô khách là 20 năm, ôtô tải 25 năm.

Các loại ôtô khác hay môtô, xe gắn máy chưa có quy định về niên hạn sử dụng. Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm tra định kỳ đối với ôtô nhưng vẫn chưa có quy định với xe máy nên chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc.

Bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, hết niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn khó thực hiện vì đến nay chưa có cơ sở để triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục