Thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hội nghị là dịp các đơn vị trao đổi, thảo luận, đánh giá thực chất về kết quả thực hiện các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết với Liên bang Nga.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 22/8, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga giai đoạn 2001-2018.”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam và Liên bang Nga đã triển khai nhiều cơ chế hợp tác chung như Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự và nhiều cơ chế hợp tác khác.

Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết được 2 nhiệm vụ quốc tế trên nhiều lĩnh vực ở cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp địa phương và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những kết quả hợp tác trong thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ truyền thống lâu đời, đặc biệt là với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Báo cáo việc thực hiện các điều ước quốc tế của các đơn vị cho thấy, công tác này còn hạn chế về hiệu lực, hiệu quả. Việc nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế còn chậm, chưa xây dựng được kế hoạch về thực hiện điều ước quốc tế, hoặc có kế hoạch nhưng còn chung chung, thiếu sự quan tâm phối hợp giữa các bộ, ngành.

Việc đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho một số chương trình hợp tác còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện cũng như công tác tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc tế chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Hội nghị là dịp các đơn vị trao đổi, thảo luận, đánh giá thực chất về kết quả thực hiện các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết với Liên bang Nga, qua đó rút ra bài học, đề xuất sáng kiến tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Sau Hội nghị, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ tiếp thu trên tinh thần các báo cáo, cùng các ý kiến thảo luận để xây dựng báo cáo giám sát trình lên Kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương - bộ đang chủ trì thực hiện 12 điều ước quốc tế có hiệu lực, cho biết, để triển khai các hoạt động hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hiện nay hai nước vẫn đang duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, được thành lập từ năm 1992 trên cơ sở Hiệp định về hợp tác kinh tế-thương mại ký năm 1991.

Trên cơ sở đó, hai nước đã có những bước phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế hai nước ngày càng được tăng cường với bốn lĩnh vực trụ cột gồm thương mại, đầu tư, dầu khí và năng lượng.

Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực đã tạo chuyển biến tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 4,57 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2017.

Tính đến 20/6 vừa qua, Liên bang Nga đứng thứ 24 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 130 dự án chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí trị giá hơn 954 triệu USD.

[LB Nga và Việt Nam nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng]

Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Liên bang Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD. Nổi bật là dự án nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga do Tập đoàn TH True Milk thực hiện với số vốn đầu tư dự kiến là 2,7 tỷ USD.

Trong lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực hợp tác trụ cột giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hiện nay Việt Nam đang hợp tác tích cực với các tập đoàn dầu khí lớn của Nga là Gazprom, Zarubezhneft, Rosneft. Các lĩnh vực hợp tác khác cũng là những điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga.

Về tình hình thực hiện điều ước quốc tế giữa hai nước, đại diện Bộ Ngoại giao Chu Tuấn Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế cho biết, từ năm 2001 đến 2018, có tổng cộng 52 điều ước quốc tế được ký kết và đang có hiệu lực giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Nhìn chung các điều ước quốc tế được ký kết giai đoạn này đã và đang được thực hiện tương đối hiệu quả, đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Nổi bật nhất là các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dầu khí, hợp tác nghiên cứu khoa học, được tiếp tục duy trì và thực hiện từ thập kỷ 1980. Việc thực hiện các điều ước quốc tế này đã mang lại những kết quả về kinh tế, khoa học-kỹ thuật cụ thể, có ý nghĩa đối với cả hai nước.

Bên cạnh những kết quả đang ghi nhận, vẫn nổi lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện điều ước quốc tế. Đó là còn có một số điểm chưa thống nhất về dữ liệu điều ước quốc tế; một số văn bản hợp tác song phương Việt Nam-Nga được ký trước ngày Luật Điều ước quốc tế năm 2016 có hiệu lực thi hành, theo Luật Điều ước quốc tế năm 2005 vẫn được coi là điều ước quốc tế, nhưng theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thì đây chỉ là Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam.

Các văn bản này thường có nội dung quy định chung chung, không có tính ràng buộc pháp lý, nội dung chủ yếu ghi nhận ý định và quan điểm của hai bên về một vấn đề cùng quan tâm.

Trên cơ sở đó, hai bên sẽ ký các điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế để triển khai cụ thể. Bộ Ngoại giao đã đề xuất Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội loại ra khỏi danh sách rà soát kế hoạch thực hiện các điều ước quốc tế loại này.

Công tác thực hiện điều ước quốc tế tại các địa phương có nhiều điểm sáng, tích cực, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Nhưng có một vài vướng mắc chung được hầu hết các địa phương đề cập, đó là vấn đề thông tin cụ thể kế hoạch thực hiện các điều ước quốc tế đã ký có liên quan đến địa phương chưa được cơ quan chủ quản ở Trung ương cung cấp đầy đủ.

Đại diện Bộ Ngoại giao đề xuất phương hướng cải thiện tình hình thực hiện điều ước quốc tế. Theo đó, các bộ, ngành chủ quản cần chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các địa phương có liên quan kế hoạch cụ thể thực hiện điều ước quốc tế, đồng thời hướng dẫn các địa phương về lộ trình thực hiện.

Hàng năm, các đơn vị này cần tổng kết việc thực hiện các kế hoạch để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do địa phương báo cáo về.

Các địa phương hàng năm có báo cáo cụ thể về Bộ Ngoại giao và bộ chủ quản tiến trình thực hiện điều ước quốc tế, những việc đã làm được, chưa làm được theo kế hoạch ban đầu đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục