Trang mạng The conversation gần đây đăng tải bài viết “Nợ công của Indonesia trước thềm bầu cử tổng thống 2019: mối quan ngại kinh tế thực sự?”
Nội dung bài viết như sau:
Sự gia tăng các khoản nợ công của chính phủ Indonesia đã trở thành một chủ đề nóng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2019.
Khoản nợ công của chính phủ Indonesia đã tăng khoảng 48% kể từ khi Tổng thống Joko Widodo “Jokowi” nhậm chức năm 2014, hay nói cách khác, khoản nợ này đã tăng gần gấp đôi so với thời chính quyền tiền nhiệm của ông Jokowi.
Người đứng đầu phe đối lập Prabowo Subianto, đối thủ chạy đua chức Tổng thống Indonesia với ông Jokowi trong cuộc bầu cử sắp tới, tuyên bố rằng khoản nợ công đang trên đà gia tăng này có thể sẽ làm Indonesia phá sản vào năm 2030.
Đáp lại tuyên bố trên, Tổng thống đương nhiệm Jokowi cho rằng những gì ông Subianto tuyên bố là quá bi quan.
Vậy thực hư vấn đề này ra sao, các khoản nợ của chính phủ Indonesia hiện nay nghiêm trọng đến mức độ nào? Bài viết này sẽ đưa ra các phân tích khách quan thực trạng nợ công của chính phủ ở Indonesia để giúp trả lời mối quan tâm của công chúng về triển vọng của nền kinh tế cũng như vận mệnh của đất nước Indonesia.
Nhu cầu vay gia tăng
Khi ông Jokowi lên nắm quyền vào năm 2014, chính quyền của ông đã “kế thừa" khoản nợ 122 tỷ USD từ chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (SBY).
Bốn năm sau, khoản nợ này đã tăng 48% lên mức 181 tỷ USD. Đây là mức tăng khá lớn bởi trong thời gian điều hành đất nước 5 năm của chính quyền SBY, từ năm 2009-2013, khoản nợ chỉ tăng ở mức 26%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ của quốc gia trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 24,7% lên 30% trong giai đoạn 2014-2018.
Tuy nhiên, mức này thấp hơn giới hạn 60% được hiến pháp Indonesia quy định trong việc quản lý nợ công. So với các nước khác, tỷ lệ nợ trên GDP của Indonesia vẫn có thể quản lý được.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ và Nhật Bản, lần lượt tương ứng là 105% và 253%, vì các nước phát triển có thể dễ dàng vay tiền để tài trợ cho thâm hụt của mình. Theo các chuyên gia tài chính, trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ nợ trên GDP của Indonesia như vậy cũng tương đối thấp.
[Ứng viên tổng thống Indonesia Subianto kiện gian lận bầu cử]
Phân tích sâu về nợ công Indonesia
Trong những năm gần đây, Indonesia đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cho vay trong nước hơn là các nhà cho vay nước ngoài trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro tỷ giá và giảm thiểu rủi ro đối với các cú sốc toàn cầu liên quan đến nợ nước ngoài.
Chiến lược này đã được chứng minh rõ ràng trong việc Indonesia phát hành ngày càng nhiều trái phiếu bằng tiền Rupiah để huy động vốn vay từ người dân trong nước.
Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Indonesia cho thấy tỷ lệ các khoản vay nước ngoài trong danh mục nợ của Indonesia giảm từ 78% xuống còn 30% trong giai đoạn từ năm 2008-2017. Tỷ trọng các trái phiếu nợ bằng tiền Rupiah tăng từ 21,7% lên 70% trong cùng kỳ.
Một vấn đề quan trọng khác là Indonesia đang làm gì với khoản nợ công? Bằng cách giảm tỷ trọng các khoản vay nước ngoài, Indonesia có sự linh hoạt hơn trong việc chi tiêu các khoản nợ.
Nợ từ các chủ nợ nước ngoài thường đi kèm với các điều kiện ràng buộc không phải lúc nào cũng có lợi cho người vay.
Chính phủ Indonesia đã phân bổ phần lớn số tiền nợ của mình cho việc phát triển cơ sở hạ tầng - một ưu tiên hàng đầu của chính quyền của Jokowi.
Chi tiêu khổng lồ đã được chuyển đến các dự án quy mô lớn, bao gồm các dự án xây dựng sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông công cộng, cũng như các nhà máy phát điện.
Theo kế hoạch ngân sách của Tổng thống Jokowi, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã liên tục tăng gần 10 tỷ USD mỗi năm, gấp gần 4 lần so với kế hoạch trước đó.
Tổng thống Jokowi cũng ưu tiên chi tiêu cho hai lĩnh vực chính khác là giáo dục và y tế. Chính phủ đã phân bổ 20% ngân sách hàng năm cho lĩnh vực giáo dục theo đúng Hiến pháp Indonesia quy định.
Ngoài ra một chương trình giáo dục sáng tạo của Tổng thống Jokowi sẽ sớm được ra mắt sau khi Indonesia thành lập quỹ để tài trợ học bổng cho các chương trình giáo dục sau đại học.
Chính phủ cũng tăng cường chi tiêu để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước.
Tính đến tháng 9/2017, khoảng 70% dân số Indonesia được hưởng lợi từ chương trình bảo hiểm y tế do Chính phủ tài trợ. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2019, chương trình chăm sóc sức khỏe của chính phủ sẽ “bao trùm” tất cả người dân Indonesia, 100% dân số Indonesia sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.
Ngược lại, từ năm 2015 chính quyền của Tổng thống Jokowi đã cắt giảm khoản trợ cấp nhiên liệu cho người dân.
Một số người tỏ ra không đồng tình với chính sách này của chính phủ vì cho rằng việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế của đất nước trong ngắn hạn. Chi phí nhiên liệu cao hơn có thể dẫn đến tăng chi phí sản xuất và giảm hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, quyết định này sẽ giảm nhẹ gánh nặng ngân sách và cải thiện tình trạng nợ của Indonesia trong tương lai.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Indonesia, từ năm 2014- 2017 chi tiêu cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng lần lượt tăng 11%, 54% và 118%. Chi phí trợ cấp nhiên liệu đã giảm 77% trong cùng giai đoạn trên.
Trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Indonesia, vấn đề nợ công tại quốc gia này đã bị chính trị hóa rất nhiều.
Tuy nhiên, chúng ta không nên coi đây là nguy cơ đe dọa kinh tế hàng đầu đối với Indonesia.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Indonesia vẫn nằm trong giới hạn bền vững. Indonesia cũng đang đi đúng hướng để sử dụng nợ hiệu quả. Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đều có chung nhận định như trên.
Tuy nhiên, người dân hay chính phủ Indonesia vẫn phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa tránh rủi ro, đồng thời cải thiện nền kinh tế của đất nước; chống hiện tượng quan liêu, tham nhũng./.