Indonesia hạn chế tác động của vòng xoáy thương mại Mỹ-Trung

Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không được giải quyết, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu có thể phải điều chỉnh để thích ứng các rào cản thương mại mới, trong đó Indonesia cũng không ngoại lệ.
Indonesia hạn chế tác động của vòng xoáy thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Công nhân trong một nhà máy dệt may ở Indonesia. (Nguồn: jaringnews)

Nếu những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không được giải quyết, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu có thể phải điều chỉnh để thích ứng với các rào cản thương mại mới, trong đó Indonesia cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn các chuyên gia của Diễn đàn Đông Á cho rằng để cắt giảm thâm hụt thương mại khoảng 9 tỷ USD với Indonesia, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ xóa bỏ ưu đãi thuế quan dành cho sản phẩm xuất khẩu của Indonesia, đặc biệt là hàng dệt may. Động thái này chắc chắn sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế của quốc đảo này.

Mặc dù không loại trừ khả năng sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa thuế quan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Enggartiasto Lukita đã khẳng định nước này sẽ vẫn ưu tiên đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại.

Tuy nhiên, một số quan chức Indonesia, đặc biệt là các quan chức trong ngành dệt may, lại muốn dùng biện pháp mạnh tay hơn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Jakarta Globe, ông Ade Sudrajat, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia (API), cho rằng ngành dệt may Indonesia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Mỹ áp thuế suất cao, do vậy Jakarta cần phản đối quyết liệt nếu không muốn thua cuộc.

Ông cũng đề xuất Indonesia có thể đem "lá bài" nông sản để "mặc cả" với Mỹ, vì hiện tại Indonesia đang nhập khẩu khá nhiều mặt hàng này từ Mỹ, trong đó có đậu tương với 70% lượng tiêu thụ đậu tương trong nước có nguồn gốc từ Mỹ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Indonesia cần cân nhắc kỹ lưỡng biện pháp này, bởi Trung Quốc cũng từng có động thái tương tự với đậu tương và một số hàng nông sản khác, song đã thất bại.

Bên cạnh đó, nếu chính phủ áp thuế nhập khẩu cao, sẽ dẫn tới giá các sản phẩm từ đậu tương sẽ tăng theo, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Biện pháp này tại thời điểm hiện tại là không có lợi vì Indonesia đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế trong khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần. Bên cạnh đó, khả năng tìm nguồn cung khác thay thế nguồn cung từ Mỹ cũng có rất nhiều rủi ro.

Để đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giới chức Indonesia đã triển khai đồng thời hai biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.

Đó là đàm phán thương mại trực tiếp với Chính phủ Mỹ ở mọi cấp độ khác nhau để đi đến một thỏa thuận hai bên cùng có lợi, và ngoại giao đa phương, nghĩa là thông qua Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đàm phán với Mỹ.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay đang gây sức ép rất lớn đến các nền kinh tế của các nước Đông Nam Á vì hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, ví dụ như hàng điện tử, thường nhập các linh kiện được chế tạo tại Thái Lan, Việt Nam, Malaysia...

Bên cạnh đó, việc kinh doanh của các cảng quốc tế như Singapore cũng bị tác động trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.