Lối thoát nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc?

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện không phải là không thể ngăn chặn, mà chỉ là không có cách thức cụ thể nào để chấm dứt nó, nhất là khi không rõ ông Trump mong điều gì, Trung Quốc “cho đi” thứ gì.
Lối thoát nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc? ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 4/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng Vox.com đăng bài của tác giả Emily Stewart phân tích ý kiến cân nhắc của các chuyên gia trong các lĩnh vực như quan hệ đối ngoại, luật, kinh tế chính trị và thương mại quốc tế xoay quanh câu hỏi: liệu có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc?

Theo tác giả, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện nay không phải là không thể ngăn chặn, mà chỉ là không có cách thức cụ thể nào để chấm dứt nó, nhất là khi không rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn điều gì ở cuộc chiến này và Trung Quốc sẵn sàng “cho đi” thứ gì.

Hôm 6/7 vừa qua, Mỹ đã quyết định áp đặt 25% thuế quan vào hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ trị giá 34 tỷ USD. Trung Quốc đáp lại với giá trị tương tự.

Các biện pháp trả đũa này đã khai hỏa một cuộc chiến thương mại không có cái kết rõ ràng. Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là liên tiếp có những biện pháp “ăn miếng, trả miếng,” tạo ra tác động tiêu cực to lớn đối với người tiêu dùng và các nền kinh tế trên thế giới.

Kịch bản tốt nhất là cả hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó để “kết liễu” cuộc chiến này. Khi được hỏi về liệu có cách nào chấm dứt sự bế tắc thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện nay hay không, hay chúng ta sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại không hồi kết, giới chuyên gia đều có quan điểm chung là: Luôn có một lối thoát, song sẽ phức tạp.

Dưới đây là nhận định của giới chuyên gia về lối thoát này.

Theo Michael Froman, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và từng là đại diện thương mại Mỹ dưới thời Chính quyền Barack Obama, luôn có một lối thoát cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện nay.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi cả hai bên hiểu rõ lối thoát này là gì để rốt cục có thể nhất trí về điều cả hai bên thực sự mong muốn.

[Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại]

Ngoài ra, cần có những phối hợp chung của cả hai phía để các biện pháp thuế quan không trở thành một yếu tố thường trực trong môi trường thương mại.

Nếu hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó, sẽ luôn có cách để thoát khỏi hành động “ăn miếng, trả miếng” này.

Cùng quan điểm này, Joshua Meltzer, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings cho rằng vấn đề là chúng ta không rõ lối thoát này sẽ như thế nào.

Bắc Kinh hiện bối rối không rõ Washington đang nhắm đến điều gì. Cả hai muốn tìm giải pháp cho cuộc xung đột, song cách mà chính quyền Mỹ lâu nay đưa ra lại khiến cuộc xung đột này khó có thể chấm dứt, ít nhất trong ngắn hạn.

Đưa ra một hướng đi cụ thể hướng đến lối thoát này, Todd Tucker, nhà khoa học chính trị tại Viện Roosevelt cho rằng Trung Quốc có thể đề xuất mua thêm nhiều nông sản Mỹ và giúp Mỹ nhiều hơn về vấn đề Triều Tiên và khi đó, Trump có thể tuyên bố chiến thắng và chấm dứt cuộc xung đột này.

Trong khi đó, với nhận định có phần dè dặt hơn, Scott Kennedy, Giám đốc dự án về kinh tế chính trị và kinh doanh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng có thể có một lối thoát nào đó, song để đạt được điều đó lại không phải là chuyện “một sớm một chiều” mà cần có thời gian.

Theo chuyên gia này, thời điểm để hình thành một lối thoát là khi hai bên cảm thấy cuộc chiến này gây tác động đến kinh tế-chính trị ở mức đau đớn đủ để họ muốn tìm đến một giải pháp nhằm đảo bảo lợi ích của mình.

Lối thoát nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc? ảnh 2 Hàng hóa được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/ TXVN)

Còn hiện nay, cả Washington và Bắc Kinh đều cho rằng tiến tới tình trạng thù địch thương mại là sự lựa chọn tốt hơn cả thương lượng.

Không trực tiếp trả lời câu hỏi, nhưng Chad Bown, nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận rằng cuộc chiến thuế quan của Trump với Trung Quốc không có dấu hiệu chấm dứt.

Dường như, Chính quyền Trump không có bất kỳ kế hoạch thương lượng nào cũng như không hề giải thích mong muốn điều gì khi khởi động cuộc chiến này.

Vì vậy, cái giá của cuộc chiến thuế quan này sẽ nhằm vào nông dân Mỹ, nỗi lo leo thang căng thẳng và chẳng ai biết rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Mark Wu, giáo sư luật tại Harvard cho rằng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến. Hai bên đang thử thách lòng kiên nhẫn của nhau.

Câu hỏi là liệu có bên nào sẽ “đánh tín hiệu” hay họ sẽ tiếp tục lao thang căng thẳng. Cho đến thời điểm này, quy mô tác động đến thương mại chưa lớn và cả hai đều cho rằng có thể vượt qua tác động tiêu cực trong ngắn hạn.

Trong khi đó, cả ông Trump và ông Tập Cận Bình đều không muốn tỏ ra “yếu thế” trước công chúng trong nước. Rốt cục, cả hai nhận ra rằng họ cần sự hợp tác của nhau về nhiều vấn đề phi kinh tế khác. Thế nên, mỗi bên hiện đang đong đếm khả năng chịu nhún của bên kia.

Tuy nhiên, mức độ Bắc Kinh nhượng bộ đến đâu và Trump chấp nhận đến đâu lại là điều không rõ ràng.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện nay liên quan 2 vấn đề chính. Thứ nhất là không có sự tương xứng về mức thuế, tiếp cận thị trường và đầu tư. Thứ hai là vấn đề chuyển giao công nghệ và chính sách phát triển công nghiệp kỹ thuật cao của Trung Quốc.

Washington đang đặt cược rằng ban lãnh đạo Bắc Kinh rốt cục sẽ cảm thấy bị đe dọa để rồi đưa ra một vài nhượng bộ về cả hai vấn đề trên.

Trong khi đó, Bắc Kinh lại nghĩ rằng ban lãnh đạo Washington sẽ không thể chống đỡ chi phí về kinh tế và chính trị do cuộc chiến thương mại gây ra và rồi sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận “mềm” hơn những gì Mỹ yêu cầu hiện nay.

 

Simon Lester, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel thuộc Viện Cato cho rằng hiện không rõ liệu Trump có sẵn sàng nắm lấy cơ hội giải thoát xung đột hiện nay hay không. Nếu người tiêu dùng và giới doanh nghiệp Mỹ bị tổn thương và lên tiếng, chính quyền Trump có thể sẽ lùi bước.

Và khi đó, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ cần tạo ra một thỏa thuận “giữ thể diện” để cả hai đều có thể tuyên bố chiến thắng.

Các nhà thương lượng cần đưa ra một số nhượng bộ của từ phía Trung Quốc để Mỹ chấp nhận được còn Mỹ cần trao cho Trung Quốc những thứ mà Bắc Kinh sẽ không bị đánh giá là chịu khuất phục trước sức ép của Washington.

Dựa trên những quy định trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Matt Gold, giáo sư luật tại Đại học Fordham nhận định rằng Bắc Kinh sẽ không thương lượng với Trump vì việc áp đặt các biện pháp thuế quan vào hàng hóa của Trung Quốc để trả đũa với lý do an ninh quốc gia là sự vi phạm các nguyên tắc của WTO mà cả hai nước này và 162 nước khác tuân theo.

Trong ngoại giao thương mại, chính phủ các nước sẽ không thương lượng để ngăn chặn một nước thực hiện các hành động trái với quy tắc của WTO.

Theo vị giáo sư này, Trump đã không tuân thủ thủ tục trả đũa phù hợp với nguyên tắc của WTO. Và điều này đã cản trở Bắc Kinh tiến tới bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.