Những biến động trên thị trường chứng khoán thế giới thời gian gần đây, trong đó đáng chú ý là chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones của Mỹ đã giảm hơn 800 điểm hồi tuần trước, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
Một trong những “cơn gió ngược” lớn nhất tác động tới tâm lý của các thị trường là yếu tố rủi ro địa chính trị, khi dư luận ngày càng quan ngại về tương lai của toàn cầu hóa, vốn từ lâu đã là nét đặc trưng trong các hoạch định chính sách thế giới.
Theo bài phân tích mới đây trên mạng tin Arab News, một ví dụ mới nhất về nhân tố rủi ro địa chính trị này là những biện pháp “ăn miếng trả miếng” gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh Washington đang cân nhắc áp thêm hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh coi đây là sự vi phạm các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn.
[Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục khó]
Điều này có thể đẩy cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước cuộc “chiến tranh thương mại” sâu rộng và toàn diện.
Ở một số khía cạnh, mức độ rủi ro địa chính trị hiện nay thậm chí được coi là cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, cho thấy những sức ép lớn mà tiến trình toàn cầu hóa đang phải trải qua.
Hai trong số các cường quốc thế giới thường được biết đến với việc đặt ra các quy tắc trong các vấn đề toàn cầu là Mỹ và Anh thì nay lại đang khiến thế giới trở thành “sân khấu” đầy bất ngờ với những quyết định khó lường của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump, viễn cảnh “Brexit trong hỗn loạn” khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.
Tuy nhiên, các vấn đề và bối cảnh chính trị đầy biến động sau Brexit và chiến thắng lịch sử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 thực tế cũng đã xuất hiện “âm ỉ” ở nhiều quốc gia khác.
Một ví dụ khác gần đây là tình trạng căng thẳng chính trị tái diễn ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Chính phủ nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ trong những tuần tới khi bất đồng gia tăng giữa Brussels và Rome liên quan tới vấn đề nhập cư và kỷ luật ngân sách.
Trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng sự trỗi dậy chống lại các nền tảng tự do sẽ tiếp tục định hình các nghị trình chính trị, ngay cả khi những người theo đường lối chủ nghĩa dân túy không giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Điều đáng chú ý là bối cảnh chính trị hiện nay nổi lên có tính chất định kỳ sau giai đoạn các thị trường toàn cầu đã được thiết lập lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Những thách thức quốc tế hiện tại đều có một đặc điểm chung và vận động xung quanh một trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, trong đó có sự gia tăng căng thẳng gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan trong vấn đề Kashmir; mối quan hệ giữa Washington và Moskva đang rơi xuống điểm thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ; tiến trình hòa bình đình trệ giữa Israel và Palestine; bất ổn tiếp diễn ở các quốc gia từ Syria, Afghanistan cho tới Libya.
Đó là chưa kể đến những nguy cơ trỗi dậy và khó có thể kiểm soát của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và các tư tưởng cực đoan khác.
Đằng sau những căng thẳng địa-chính trị đó, không thể không nhắc tới sự dịch chuyển đáng kể trong cán cân sức mạnh toàn cầu từ các cường quốc phát triển sang các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu ở châu Á và đặc biệt là Trung Quốc.
Mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng vị thế của Mỹ đã suy giảm tương đối trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên, giữa vô vàn thách thức đối với tiến trình toàn cầu hóa, thế giới cũng chứng kiến sự vận động đối nghịch giữ vai trò duy trì nền tảng trật tự toàn cầu hóa quốc tế hiện nay.
Trong bối cảnh nhiều thỏa thuận đa phương lớn đang trở nên khó bảo đảm hơn, sự ra đời của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bất chấp sự rút lui của Mỹ là một minh chứng cho sự thành công của thương mại đa phương.
11 nền kinh tế thuộc CPTPP hiện chiếm 13% thương mại toàn cầu, và khối thương mại này được coi là có quy mô lớn thứ ba sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và EU.
Đáng chú ý, NAFTA cũng đã được tái khởi động đàm phán trong một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ-Mexico-Canada.
Bên cạnh đó, EU gần đây đã ký kết một loạt các thỏa thuận kinh tế lớn với các quốc gia như Canada và Nhật Bản.
Chủ nghĩa đa phương kinh tế từng được gây dựng từ một mạng lưới các thể chế quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc.
Không thể phủ nhận Liên hợp quốc cũng phải đối mặt với những cải cách, song thể chế đa phương này vẫn giữ vai trò duy trì ổn định và ngoại giao quốc tế.
Trong tương lai, động lực cơ bản của toàn cầu hóa có lẽ sẽ được làm mới và quay trở lại, còn trong bối cảnh hiện nay điều đó sẽ phụ thuộc vào xu hướng vận động của quan hệ Mỹ-Trung.
Một khi căng thẳng thương mại hai nước gia tăng, xu hướng toàn cầu hóa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp ngược lại, nó sẽ đem lại những tiềm năng mới cho sự hợp tác hiệu quả.
Hợp tác song phương gia tăng cũng có thể là tiền đề để giải quyết các “vấn đề mềm” như biến đổi khí hậu hay giải quyết hiệu quả những tranh chấp chủ quyền như tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh song phương sẽ tiếp diễn và có nguy cơ leo thang nếu sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh tiếp tục phát triển nhanh chóng, trong bối cảnh Trung Quốc đang theo đuổi lập trường chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt đối với các nước láng giềng ở châu Á.
Tóm lại, quá trình toàn cầu hóa rõ ràng đang gặp phải những thách thức rất lớn. Sự bất định lớn nhất chính là tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung, khi nó có thể vừa là một lực cản gây bất ổn toàn cầu, hoặc cũng có thể là chất xúc tác thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn nếu căng thẳng đó được giải quyết ổn thỏa.
Hay nói cách khác, tương lai của toàn cầu hóa sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng của quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, nhân tố sẽ định hình việc liệu toàn cầu hóa sẽ được làm mới, phát triển lên một nấc thang mới hay rơi vào trạng thái thụt lùi./.