Trong phiên họp toàn thể diễn ra sáng 29/6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum, Thượng viện Campuchia đã thông qua toàn văn dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi.
Ban Tổng thư ký Thượng viện Campuchia nêu rõ sau phần giải trình, bảo vệ dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi của ông Koeut Rith, Bộ trưởng Tư pháp, đại diện Chính phủ Hoàng gia Campuchia, tất cả 59 Thượng nghị sỹ tham dự phiên họp toàn thể đều biểu quyết tán thành dự thảo.
Nội dung sửa đổi lần này của Luật Bầu cử Campuchia tập trung vào quy định những người không đi bỏ phiếu sẽ không có quyền ứng cử trong các kỳ bầu cử tiếp theo. Ngoài ra, điều khoản sửa đổi cũng bổ sung quy định phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt đối với những người cản trở cử tri đi bỏ phiếu, cũng như các hoạt động làm ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử.
Sau khi được Quốc hội và Thượng viện thông qua, dự thảo Luật Bầu cử được chuyển lên Hội đồng Hiến pháp Campuchia (CCC). Dự kiến, CCC sẽ nhóm họp về dự thảo Luật này vào sáng 30/6, có sự tham dự, giải trình của đại diện Chính phủ.
Theo trình tự thủ tục, nếu CCC nhất trí thông qua, dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi sẽ được đệ trình để Quốc vương Norodom Sihamoni ký sắc lệnh ban hành luật và chính thức có hiệu lực.
Trước đó, ngày 23/6, dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi cũng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Campuchia khóa VI.
Tiến trình tổ chức tổng tuyển cử năm 2023 tại Campuchia đang diễn ra theo lịch trình dự kiến với 18 chính đảng đang chuẩn bị tham gia hoạt động vận động tranh cử diễn ra trong 3 tuần, từ ngày 1-21/7.
[Campuchia tổ chức chiến dịch vận động tranh cử từ đầu tháng Bảy]
Tại cuộc bầu cử vào tháng 7 tới, 17 chính đảng sẽ tham gia tranh cử với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền. Ngày 29/5, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã tổ chức bốc thăm xếp thứ tự 18 chính đảng tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2023 ở nước này. Theo kết quả bốc thăm, CPP xếp thứ 18.
Các chính đảng còn lại theo thứ tự từ 1 đến 17 lần lượt là đảng Xã hội Dân chủ Tổ ong (BSDP), Khmer Hợp nhất (KUP), Quốc tịch Campuchia (CNP), Khmer Đoàn kết Quốc gia (KNUP), Sức mạnh Dân chủ (DPP), Nông dân (FP), Phụ nữ vì Phụ nữ (WPFW), Khmer Thoát nghèo (KAPP), FUNCINPEC, Đạo pháp Trị quốc (DP), Dân chủ Cơ sở (GDP), Dân nguyện (PPP), Khmer Phát triển Kinh tế (KEPP), Thống nhất Dân tộc Khmer (EKP), Khmer Bảo thủ (KCP), Thanh niên Campuchia (CYP) và đảng Dân tộc Bản địa Dân chủ Campuchia (CIPP).
Đầu tháng này, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định cho phép công nhân, viên chức và người lao động ở nước này nghỉ 3 ngày từ 22-24/7 để tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Trước đó, NEC đã cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm duy trì an ninh và trật tự công cộng trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2023.
Bộ Du lịch Campuchia cũng đã ra chỉ thị, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, hộp đêm... trên cả nước tạm dừng hoạt động trong hai ngày 22-23/7 nhằm đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ.
Campuchia tổ chức tổng tuyển cử định kỳ 5 năm một lần. Cuộc bầu cử gần đây nhất diễn ra vào ngày 29/7/2018./.