Thượng viện Mỹ bác dự luật viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và Israel

Tất cả 49 nghị sỹ Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu ngăn chặn dự luật trị giá 110,5 tỷ USD cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và Israel.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/12, các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã bác dự luật trị giá 110,5 tỷ USD cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và Israel, với lý do Mỹ cần ngân sách cho nỗ lực đảm bảo an ninh ở khu vực biên giới giáp Mexico.

Tất cả 49 nghị sỹ Cộng hòa tại Thượng viện đã bỏ phiếu ngăn chặn dự luật trên.

Đáng chú ý, ông Bernie Sanders, một Thượng nghị sỹ độc lập thường đứng về phía các nghị sỹ Dân chủ, lần này chung quan điểm với các nghị sỹ Cộng hòa phản đối dự luật.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer, cũng thay đổi lá phiếu từ ủng hộ sang phản đối để ông có thể đề xuất một dự luật khả thi hơn trong thời gian tới.

Như vậy, với 51 phiếu chống và 49 phiếu ủng hộ, dự luật đã không đạt được 60 phiếu tối thiểu cần thiết để được thông qua tại Thượng viện và chuyển đến Hạ viện xem xét.

Dự luật do Nhà Trắng đề xuất, bao gồm 61,4 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, 14,3 tỷ USD hỗ trợ Israel và các khoản hỗ trợ dành cho các điểm nóng khác trên thế giới.

Dự luật cũng dành một khoản ngân sách để thắt chặt an ninh biên giới Mỹ-Mexico, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của các Thượng nghị sỹ Cộng hòa về việc tăng ngân sách cho an ninh biên giới.

Trước đó cùng ngày, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội phê chuẩn dự luật ngân sách viện trợ bổ sung, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề an ninh biên giới để đổi lấy việc đảng Cộng hòa thông qua dự luật này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.